Chiều 23/3, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), đưa ra cảnh báo ngay sau đợt nắng nóng đang diễn ra, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh tăng cường.
Đáng chú ý, không khí lạnh tràn xuống khi khu vực miền Bắc đang chịu tác động của đợt nắng nóng mạnh diện rộng (trong đó tại một số nơi, nhiệt độ vượt mốc lịch sử tháng Ba), nên việc tranh chấp giữa khối khí nóng và khối khí lạnh cuối mùa, có khả năng sẽ gây ra lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.
Khu vực có nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy, mưa đá là các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ; thời gian xảy ra từ chiều tối 24/3 đến hết ngày 28/3.
Nắng nóng đến sớm hơn 1 tháng
Thông tin về diễn biến của đợt nắng nóng đang diễn ra, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết do chịu ảnh hưởng của thấp nóng và gió phơn, trong ngày 22/3 ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng.
Cụ thể, Sơn La, Hòa Bình và vùng núi phía Tây các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế đã xảy ra nắng gay gắt và đặc biệt gay gắt; tại Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh có những điểm vượt mốc lịch sử tháng Ba.
Đơn cử như tỉnh Hòa Bình có tới 3 điểm nhiệt độ vượt mốc lịch sử tháng Ba. Trong khi đó, tại Trạm Khí tượng Kim Bôi, nhiệt độ đo được lên tới 41,4 độ C (vượt mốc 38,1 độ vào năm 1996); tại Trạm Khí tượng Lạc sơn, nhiệt độ đo được có lúc lên tới 39.4 độ C (vượt mốc 39 độ C vào năm 1996); tại Trạm Khí tượng Hòa Bình, nhiệt độ 38,8 độ C (vượt mốc 38,5 độ C năm 1996).
[Dự báo sâu, cảnh báo sớm thiên tai: ‘Vaccine’ an toàn cho mọi người]
Mặc dù trong ngày 23/3, nắng nóng có xu hướng giảm dần ở Bắc Bộ, song tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình tình trạng nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao từ 36-38 độ C vẫn xảy ra; các nơi khác của Bắc Bộ nắng nóng cục bộ.
Dự báo, ngày 24/3, nắng nóng còn xảy ra ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình nhưng mức nhiệt độ không còn gay gắt; nhiệt độ ở Sơn La, Hòa Bình là 35-37 độ C.
Tại miền Trung, ngày 23/3, nắng nóng tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi với nhiệt độ 36-38 độ C, vùng núi phía Tây có nơi trên 39 độ C.
Từ ngày 24/3, nắng nóng ở các tỉnh miền Trung vẫn duy trì ở khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, nhưng nhiệt độ có xu hướng giảm còn 35-37 độ C; vùng núi phía Tây có nơi trên 38 độ C. Sang ngày 25/3, nắng nóng có khả năng kết thúc ở Bắc Trung Bộ và dịu dần ở khu vực Trung Trung Bộ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết theo thống kê, nắng nóng ở miền Trung, Tây Bắc Bộ thường bắt đầu vào giữa tháng Tư; ở khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội, xu hướng nắng nóng thường vào khoảng nữa tháng Năm.
Như vậy, năm nay, nắng nóng ở miền Trung đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng; còn ở vùng đồng bằng và Thủ đô Hà Nội đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng hơn 1 tháng.
Riêng với vùng đồng bằng Bắc Bộ, năm gần nhất xảy ra nắng nóng xuất hiện vào tháng Ba là ngày 4/3/2003, tức là đã cách đây 20 năm.
Nguy cơ xảy ra lốc xoáy, mưa đá
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều tối và đêm mai (24/5) sẽ có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc, gây mưa rào và dông mạnh ở khu vực Việt Bắc, Đông Bắc.
Tiếp đó, từ ngày 25/3 sẽ có không khí lạnh mạnh ảnh hưởng; mưa dông mở rộng xuống khu vực Bắc Trung Bộ.
Cũng theo dự báo, từ ngày 25/3, khu vực Bắc Bộ sẽ trở lạnh. Trong khoảng thời gian từ ngày 26-28/3, miền Bắc ngày trời lạnh, đêm và sáng trời rét nhẹ.
Về xu hướng thời tiết năm 2023, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết hiện tượng La nina (bề mặt biển lạnh đi so với bình thường) đang kết thúc; khả năng cuối năm sẽ chuyển sang trạng thái El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt) và có thể duy trì cho đến nửa đầu năm 2024.
Dự báo, nắng nóng xuất hiện sớm so với trung bình ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ và có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn so với năm 2022
Về bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo các loại hình thiên tai này sẽ xuất hiện trên Biển Đông tương đương với trung bình nhiều năm; số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền).
Tổng lượng mưa năm 2023 dự báo ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm; ít có khả năng mưa lớn diện rộng lịch sử, tuy nhiên mưa lớn cục bộ sẽ vẫn xuất hiện thường xuyên./.