Tránh một cuộc chiến tranh lạnh và một hành tinh nóng

Mối nguy hiểm trước mắt và “kẻ thù” trực tiếp nhất mà Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt là thách thức chung trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Khói bốc lên từ một nhà máy thép ở Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Trang mạng aspistrategist.org.au đưa tin trong số nhiều mối đe dọa và thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, có 2 mối đe dọa và thách thức nổi bật: mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai cường quốc tự mãn nhất của thế giới và viễn cảnh đang ngày một rõ nét về một thảm họa khí hậu.

Để giải quyết được cả hai vấn đề này, cần có sự thiện chí và hợp tác thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có một cách để giải quyết cả 2 vấn đề này mà đem lại kết quả "cùng thắng" như mong muốn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thế nhưng, chưa chắc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận, đặc biệt là trong bối cảnh chiến dịch tranh cử hiện nay ở Mỹ.

Tuy nhiên, nếu ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng, ông có thể quan tâm đến việc cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc.

[Các công ty đa quốc gia chiếm gần 1/5 lượng khí thải CO2 toàn cầu]

Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều người nói tới sự khởi đầu của một "cuộc chiến tranh lạnh mới," cần nhớ rằng vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, Mỹ và Liên Xô đã tìm cách đàm phán để cho ra đời một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí, vốn không chỉ giúp giảm bớt nguy cơ trước mắt về ngày tận thế hạt nhân, mà còn mở ra khả năng cắt giảm ngân sách dành cho hoạt động sản xuất và mua sắm vũ khí.

Thực tế là không phải lúc nào những cơ hội như vậy cũng được nắm bắt, và đặc biệt là khi Mỹ quyết tâm duy trì vị thế thống trị chiến lược của họ bằng mọi giá, chúng ta không nên mù quáng hy vọng rằng các hiệp định kiểm soát vũ khí sẽ mang lại một giải pháp để vượt qua "tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh" trong bối cảnh các quốc gia bị cuốn vào các cuộc chạy đua vũ trang vô ích và họ hành động dựa trên giả định rằng kẻ thù giả tưởng của họ cũng hoang tưởng và không đáng tin cậy như chính họ.

Sự cạnh tranh và ác cảm ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang gây tổn hại cho họ - chưa kể là gây tổn hại cho phần còn lại của thế giới, khi chúng ta bất lực đứng quan sát từ bên ngoài và cố gắng đưa ra các chính sách đối ngoại cũng như chiến lược có vẻ hợp lý.

Tuy nhiên, một trong những điều mà Australia có thể làm là khuyến khích "G2," tức Trung Quốc và Mỹ, thực hiện cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn đối với mối quan hệ song phương của riêng họ và tập trung vào các thách thức chung.

Về mặt này, không có vấn đề nào nghiêm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu không được cải thiện.

Mặc dù là nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng tái tạo, Trung Quốc nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Thật vậy, nếu có một điều thực sự đe dọa quyền lực, tính hợp pháp và thậm chí là tính liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì đó là sự bất bình của tầng lớp trung lưu về những hậu quả môi trường do sự phát triển nhanh chóng gây ra.

Do đó, Trung Quốc có thể quan tâm đến một hiệp định kiểm soát vũ khí với Mỹ, đặc biệt là nếu nó dựa trên giả định rằng cả hai nước sẽ sử dụng số tiền họ tiết kiệm được bằng cách không mua vũ khí mới để trang bị cho nền kinh tế của họ theo hướng bền vững hơn.

Rốt cuộc, điều này sẽ cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định rằng họ đang đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời giải quyết mối đe dọa lớn nhất đối với tính chính danh của họ ở trong nước.

Rõ ràng, ông Trump khó có thể ủng hộ một ý tưởng như vậy, đặc biệt là vì nó được thiết kế để giải quyết một vấn đề mà ông dường như nghĩ là không có thật và thậm chí có thể không hiểu.

Dù bạn nghĩ gì chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình, thì dường như ông ta đã hiểu được vấn đề biến đổi khí hậu một cách cơ bản và nhận ra mối đe dọa mà nó gây ra cho bất kỳ chế độ nào nếu không mang lại những cải thiện như đã hứa cho cuộc sống của người dân.

Nhiều người ở Mỹ cũng hiểu được tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Thật không may, họ không ở trong chính quyền ông Trump, điều này khiến cuộc bầu cử sắp tới có lẽ là quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ - và có lẽ là cả thế giới.

Tình trạng nóng lên toàn cầu thu hẹp lưu lượng sông Colorado (Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều đó nghe có vẻ cường điệu, nhưng bồi thẩm đoàn am hiểu khoa học về biến đổi khí hậu thì rõ ràng đã có mặt, và phần lớn hành tinh của chúng ta có thể sớm trở thành nơi không thể ở được nếu chúng ta không nhanh chóng hành động.

Với quy mô của những thay đổi cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng Trái Đất nóng lên thậm chí 2°C (hiện có vẻ như là tình huống tốt nhất), một hiệp định kiểm soát vũ khí được đàm phán bao gồm cam kết cắt giảm đáng kể và ngay lập tức lượng khí thải không có gì là khác thường.

Thật vậy, nếu chúng ta thậm chí không thể nhất trí chung rằng hình thức hợp tác tương đối khiêm tốn và khá rõ ràng này là đáng giá, thì sẽ không có cơ hội giải quyết những thách thức thậm chí còn lớn hơn đang ở phía trước.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng mối nguy hiểm trước mắt và “kẻ thù” trực tiếp nhất mà Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt không phải là chính Trung Quốc và Mỹ mà là thách thức chung trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mà theo nhiều người, hiện đang đe dọa nền văn minh nhân loại.

Tin tốt là chúng ta thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác trên quy mô chưa từng có và không thể tưởng tượng được cho đến nay, nếu chúng ta muốn thoát khỏi cái hố mà chúng ta đã tự đào.

Tin xấu là lịch sử cho thấy rằng hợp tác quốc tế không phải là sức mạnh tập thể của chúng ta - đặc biệt là nếu những người được cho là lãnh đạo chúng ta thậm chí không nhận ra bản chất của các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục