Tránh những biến tướng trong kinh doanh cầm đồ, đòi nợ thuê

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về các biện pháp quản lý ngành nghề kinh doanh cầm đồ, đòi nợ thuê.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về dự án Luật.

Sửa đổi nhằm thu hút nguồn lực đầu tư

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc sửa đổi Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Dự thảo Luật sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, đồng thời khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện...

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế (Điều 4 dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quy định tại Điều này cần phải được làm rõ phạm vi áp dụng, tránh chồng chéo, xung đột giữa Luật Đầu tư và các luật có liên quan có quy định về hoạt động đầu tư; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm bao quát hết các nội dung thuộc nội hàm hoạt động đầu tư kinh doanh; rà soát các quy định về dự án đầu tư xây dựng, phân định rõ phạm vi áp dụng giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, tránh gây vướng mắc trong quá trình thực thi.

[Tạm giữ sáu đối tượng đi đòi nợ thuê, đập phá nhà người dân]

Về việc đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Điều 6 dự thảo Luật, có hai loại ý kiến. Thứ nhất là tán thành Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật. Thứ hai là không nên đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Quản lý chặt chẽ các loại hình kinh doanh biến tướng

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), kinh doanh có điều kiện, dù được quản lý chặt những rất dễ nảy sinh những biến tướng như kinh doanh cầm đồ, công ty cho vay tài chính, cho vay hỗ trợ sinh viên... Bản chất những loại hình này là cho vay nặng lãi, có hoặc không có giấy tờ cũng được cầm đồ.

"Nếu ta quản lý không chặt chẽ, những loại hình này sẽ trở thành mầm mống sinh tội phạm, đằng sau đó chính là xã hội đen," đại biểu Bùi Văn Phương nói. Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ hiệu quả kinh tế-xã hội, an ninh trật tự xã hội đối với nội dung kinh doanh có biểu hiện biến tướng trên.

[Tín dụng đen: Cả người đi vay và cho vay đều có dấu hiệu tội phạm]

Theo đại biểu, ẩn đằng sau những hình thức kinh doanh biến tướng trên là các hình thức đòi nợ thuê. "Kinh doanh đòi nợ chẳng cần công ty, làm theo kiểu xã hội đen, rất không lành mạnh, để lại hậu quả xã hội lớn," đại biểu Bùi Văn Phương đánh giá.

Cũng nêu quan điểm đối với nội dung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng, có những ngành có nội dung quản lý quá chặt, có những ngành quản lý lại lỏng lẻo.

Đại biểu nêu ví dụ: Ngành kinh doanh xoa bóp có nhiều biến tướng, khó quản lý hay như ngành thẩm mỹ, mỹ viện cũng cần được quản lý sát hơn. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong khi vừa qua, báo chí phản ánh hoạt động kinh doanh có nhiều vấn đề tại một cơ sở điều trị cho trẻ em tự kỷ. Theo đại biểu, những cơ sở như vậy lại không có điều kiện gì là rất bất hợp lý.

Nêu ý kiến đối với Khoản L: Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Điều 17 về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, dự án Luật Đầu tư sửa đổi, đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho rằng, nên đưa thêm các cơ sở về tập luyện thể dục thể thao vào những ngành được khuyến khích để tăng cường sức khỏe người dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị có nội dung ưu tiên, khuyến khích xã hội hóa các cơ sở luyện tập thi đấu thể dục thể thao với những chính sách cụ thể như vấn đề thuê đất.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục