Loạt bài “Loạn xe hộ đê hưởng miễn phí qua trạm thu phí giao thông” của Báo Giao thông và “Tài xế né trạm BOT, ai là người gánh họa?” của Báo Gia đình và Xã hội đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trao giải nhất tại Lễ trao Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2018, diễn ra chiều 3/4.
Đây là những tác phẩm được Ban Giám khảo đánh giá rất cao bởi tính phát hiện, điều tra độc quyền. Hai loạt bài này được điều tra công phu, có góc nhìn đa chiều, truy tận cùng vấn đề để chỉ ra những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Sau khi các bài báo đăng tải, các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc rà soát, tiếp thu và chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục.
[Tai nạn giao thông: Tình hình phức tạp, vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra]
Theo Ban tổ chức, tính đến ngày 30/11/2018 đã nhận được 1.021 tác phẩm của các cá nhân và tập thể 40 đơn vị trên cả nước; trong đó, 651 tác phẩm phù hợp với tiêu chí giải thưởng được đưa vào bình xét. Hội đồng bình xét đã chọn được 110 tác phẩm để chấm vòng chung khảo.
Kết quả, có 32 tác phẩm được lựa chọn trao giải gồm 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba, 15 giải Khuyến khích. Trong số này Thông tấn xã Việt Nam có hai tác phẩm được giải Ba là Tai nạn giao thông - Bao giờ mới hết nỗi đau”của tác giả Hoàng Long, Mạnh Hùng Báo Điện tử VietnamPlus và “Tình người trên đỉnh đèo Lò Xo."
Đánh giá của Ban tổ chức cho thấy, các tác phẩm dự giải năm nay, bên cạnh đáp ứng được những tiêu chí về nội dung, hình thức, phù hợp với quy định, thể lệ của giải thưởng thì chất lượng thông tin được nâng lên rõ rệt và khá đồng đều so với các mùa giải trước.
Bằng sự dấn thân, bám sát hơi thở cuộc sống, các nhà báo đã phản ánh đúng và trúng những vấn đề nóng, mới phát sinh trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở cả 5 lĩnh vực: đường bộ, đường thủy, hàng hải, đường sắt và hàng không.
Trong đó, báo chí nhấn mạnh đến các vấn đề về quản lý, cơ chế, định hướng phát triển giao thông vận tải, an toàn giao thông; những bất cập, vi phạm trong quá trình thi công xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng; hoạt động kinh doanh vận tải; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; các vấn đề liên quan đến phương tiện, người lái, ý thức của người tham gia giao thông, thực trạng giao thông nông thôn, miền núi - địa bàn không chỉ đi lại khó khăn do hạ tầng mà còn phát sinh nhiều hệ lụy về tai nạn giao thông do nhận thức, phong tục, tập quán tiêu cực tác động đến người tham gia giao thông.
Đặc biệt, báo chí cũng đã bám sát chủ đề của Năm An toàn giao thông 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết,” đã có hàng loạt bài viết về chủ đề này khắc họa nên thực trạng và cảnh báo nguy cơ khi trẻ em tham gia giao thông. Từ đó, đề xuất, khuyến nghị và gợi mở các giải pháp để những nẻo đường từ nhà đến trường của con em luôn luôn an toàn, thông suốt.
[Tai nạn giao thông: Bao giờ mới hết nỗi đau?]
Các tác phẩm dự giải tiếp tục đề cập nhiều đến công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông; những vấn đề tồn tại, bất cập, thậm chí là tiêu cực, vi phạm pháp luật được ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Từ phản ánh của báo chí, các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời tiếp nhận, lấy đó làm cơ sở để điều chỉnh chính sách và ban hành chỉ đạo chấn chỉnh...
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”./.