Trao giải thưởng Đối tác Đổi mới sáng tạo Aus4Innovation

Được lựa chọn từ 115 hồ sơ, ba dự án đoạt giải có những sáng kiến xuất sắc, tạo ra tác động kinh tế-xã hội tích cực, qua đó nhận được tổng số tiền tài trợ hơn 1,6 triệu đô la Australia.

Ngày 9/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ "Tuần lễ Kỹ năng và Đổi mới sáng tạo," đã diễn ra hội thảo "Australia-Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm Phát triển hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo" và Lễ trao giải thưởng Đối tác Đổi mới sáng tạo Aus4Innovation do Đại sứ quán Australia phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức.

Hội thảo nhằm chia sẻ những khó khăn, thách thức trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo-chìa khóa cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Các đại biểu đã tìm hiểu và lắng nghe kinh nghiệm từ Australia trong việc phát triển kinh tế xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo.

[Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Australia đi vào thực chất, hiệu quả]

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao việc Australia hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam trong việc nuôi dưỡng hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học... hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chuẩn bị cho tương lai phát triển nền kinh tế số cũng như thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Đổi mới sáng tạo chỉ thực sự đi vào thực tiễn khi có một hệ sinh thái hỗ trợ, một cộng đồng nơi những ý tưởng mới được nuôi dưỡng và những thành công được nhân rộng.

Vì vậy, hội thảo tập trung thảo luận về những thách thức trong việc xây dựng một hệ sinh thái ở Việt Nam và giới thiệu trường hợp thành công của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Canberra (CBRIN), mạng lưới hàng đầu tại Australia kết nối các doanh nghiệp, chính phủ, giới hàn lâm với các doanh nhân và nhà sáng tạo để tạo ra tác động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Giải thưởng Đối tác Đổi mới sáng tạo được trao cho 3 dự án do các đại học của Australia cùng với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Việt Nam triển khai thực hiện, gồm: Chuyển giao mô hình nghiên cứu và ứng dụng trong xử lý nước và các hệ thống giám sát sử dụng công nghệ 4.0 (Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội); công nghệ sản xuất hoócmôn giúp nâng cao năng suất nuôi hải sâm (Đại học Sunshine Coast và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III); phương pháp mới tạo ra bước ngoặt trong việc chẩn đoán ung thư vú (Đại học Sydney và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Quốc gia).

Được lựa chọn từ 115 hồ sơ, ba dự án đoạt giải có những sáng kiến xuất sắc, tạo ra tác động kinh tế-xã hội tích cực, qua đó nhận được tổng số tiền tài trợ hơn 1,6 triệu đô la Australia.

Bà Rebecca Bryant, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia, cho biết xây dựng mối quan hệ sâu sắc, bền chặt giữa hệ thống Đổi mới sáng tạo của hai quốc gia là một trong những mục tiêu chính trong quan hệ hợp tác chiến lược Australia-Việt Nam.

Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo là một cơ hội tuyệt vời để ươm mầm các ý tưởng sáng tạo và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác hiện có giữa các tổ chức hữu quan của hai nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Đổi mới sáng tạo giữa Australia và Việt Nam là cơ chế hiệu quả để hai nước chia sẻ những mô hình và phương pháp hữu hiệu nhằm cải thiện hệ thống đổi mới sáng tạo của hai quốc gia.

Đầu năm 2019, chương trình Aus4Innovation đã triển khai vòng thứ nhất của chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo, nhằm hỗ trợ tài chính giúp nhân rộng các sáng kiến đã được thử nghiệm để giải quyết thách thức và đón đầu cơ hội trong mọi lĩnh vực trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Vòng hai của chương trình với số tiền tài trợ 2,4 triệu đôla Australia sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Đây là một hợp phần quan trọng của Aus4Innovation giai đoạn 2018-2022 với tổng ngân sách 11 triệu đôla Australia, nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số.

Chương trình được đồng tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT) và InnovationXchange (IXC), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục