Trẻ em gái vị thành niên: Nỗi lo tự tử và biến chứng thai sản

Năm 2015, trong tổng số ca đẻ thì có hơn 42.000 ca ở lứa tuổi vị thành niên. Việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề do các bà mẹ nhỏ tuổi còn quá trẻ.
Lớp học với mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các trường học tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), năm 2015, trong tổng số ca đẻ thì có hơn 42.000 ca ở lứa tuổi vị thành niên (chiếm hơn 2,5%).

Tuy nhiên, đây đều là con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa kể con số ở các cơ sở y tế tư nhân. Với tâm lý e ngại, nhiều trường hợp lựa chọn đến các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế con số thực tế có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thông tin trên được đại diện đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra trong cuộc họp cung cấp thông tin hưởng ứng ngày dân số thế giới 11/7 với chủ đề: “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên.”

14 triệu trẻ vị thành niên

Mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, tảo hôn, kết hôn cận huyết là vấn đề lớn mà trẻ vị thành niên tại Việt Nam đang phải đối mặt.

Tiến sỹ Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại cuộc họp.

Tiến sỹ Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi, Việt Nam cũng quy định trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi. Theo thống kê dân số, lứa tuổi 10-19 tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% dân số, tương đương 14 triệu trẻ vị thành niên.

Việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề do các bà mẹ nhỏ tuổi còn quá trẻ, thể chất và tinh thần chưa phát triển để sẵn sàng làm mẹ. Riêng những trường hợp nạo phá thai nhỏ tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cũng như di chứng suốt đời.

Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình cho hay, những năm gần đây tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai tại Việt Nam đã có xu hướng giảm dù vẫn ở mức tương đối cao.

Ông Dương dẫn con số thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tại các cơ sở y tế công lập trong năm 2015 có gần 280.000 ca phá thai, 2% số này ở lứa tuổi vị thành niên (khoảng gần 5.600 ca). Tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai qua các năm 2010, 2014 và 2015 lần lượt là: 3,24%, 2,78% và 2,66%.

Xu hướng giảm tương tự cũng có thể thấy ở tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Năm 2010 cả nước có 470.000 ca phá thai, trong đó hơn 9.000 ca là vị thành niên. Con số này năm 2015 là hơn 5.500 ca trong số gần 280.000 ca phá thai.

Theo số liệu toàn cầu, trong năm 2015, số trẻ em kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ở mức cao nhất với 59 triệu em, tiếp đó là Đông Á và Nam Á (8 triệu trẻ), Tây Phi và Trung Phi (8 triệu trẻ)…

Bên cạnh đó, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15-17 sinh con, ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca.

Những số liệu trên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước trên thế giới về tình trạng tảo hôn của trẻ em gái vị thành niên.

Tiến sỹ Lê Cảnh Nhạc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hóa gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lứa tuổi tự tử nhiều nhất

Theo ông Lê Cảnh Nhạc, trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa.

Các em rơi vào những năm tháng khó khăn nhất của đời người và các em phải tự chống chọi với nó. Một mặt các em muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài nhưng chưa đủ kinh nghiệm sống để làm chủ mình, đồng thời các em cũng không còn là đứa trẻ nữa, muốn rẫy ra khỏi vòng tay của bố mẹ, của gia đình, chông chênh trong một thế giới như vậy.

“Về mặt tâm lý học, đây là độ tuổi chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ em. Tuổi trẻ rất muốn làm ngươi lớn, muốn chứng tỏ mình muốn thể hiện mình, muốn thoát ra khỏi vòng tay của bố mẹ, tuổi dễ nổi loạn nhất, tâm sinh lý của tuổi này phát triển rất phức tạp,” ông Nhạc chỉ rõ.

Cùng quan điểm trên, tiến sỹ Babatunde Osotimehin - Giám đốc điều hành Qũy dân số Liên hợp quốc nhấn mạnh, để có thể tiếp cận được các nhóm dân số đang bị bỏ lại phía sau, các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung bảo vệ quyền của trẻ em gái vị thành niên thiệt thòi nhất. Đặc biệt là trẻ em nghèo, thất học hay bị áp đặt bởi những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn.

Trẻ em gái chịu thiệt thòi và là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhìn từ góc độ sức khỏe sinh sản. Các em rất có thể buộc phải làm mẹ trong khi bản thân vẫn còn là trẻ em. Các em có quyền được hiểu, kiểm soát cơ thể mình và quyết định cuộc sống của chính mình.

Tiến sỹ Lê Cảnh Nhạc phân tích thêm, cuộc sống hiện đại đưa các em vào một thế giới ảo, thế giới thông tin hỗn mang như Facebook và tiếp nhận thông tin không chính thống, vì vậy hình thành kỹ năng sống càng phức tạp hơn. Các em tiếp cận với tình dục và sinh hoạt tình dục sớm hơn trong khi những kỹ năng bảo vệ mình khỏi vấn nạn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, về mang thai ngoài ý muốn chưa được trang bị kỹ nên tổn thương rất nhiều. Đó chính là nguyên nhân lý giải vì sao độ tuổi này tự tử nhiều nhất.

Đáng lo ngại, tự tử và biến chứng thai sản là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15-19 tuổi.

Vì thế, chủ đề ngày Dân số thế giới năm nay (ngày 11/7) được chọn là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên.” Qua đó nhằm đảm bảo cho trẻ em gái các kỹ năng chống lại việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cung cấp các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Theo các chuyên gia, để giúp trẻ em gái vị thành niên vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời này, trách nhiệm trước hết là ở nhà trường, gia đình, đoàn thể xã hội và vai trò của truyền thông cung cấp, định hướng các thông tin về sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục