Theo phóng viên TTXVN tại New York, Liên hợp quốc ngày 20/11 đã công bố báo cáo cho biết trong thời gian 2 năm kể từ các nhà lãnh đạo thế giới thông qua "Tuyên bố New York năm 2016," những người tị nạn và di cư đã bỏ lỡ tới 1,5 tỷ ngày học.
Báo cáo của Liên hợp quốc nhấn mạnh trẻ em thuộc đối tượng di cư và tị nạn đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng gia tăng trong việc tiếp cận giáo dục.
Các yếu tố về khác biệt ngôn ngữ, thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ, thiếu trường học là nguyên nhân khiến trẻ em tị nạn và di cư không thể tiếp cận việc học tập và đánh mất hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
[Thêm nhiều nước rút khỏi hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ]
Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh “quyền của những đứa trẻ này là được hưởng nền giáo dục chất lượng cao, nhưng đã bị từ chối hoàn toàn bởi một vài chính phủ."
Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng tuyên dương một số quốc gia có số lượng người tị nạn lớn, đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong việc hỗ trợ trẻ em tị nạn tham gia hệ thống giáo dục quốc gia.
Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục góp phần làm cho cộng đồng mạnh mẽ, linh hoạt và gắn kết hơn. UNESCO cũng kêu gọi các nhà tài trợ tăng gấp 3 lần ngân sách giáo dục cho người tị nạn và đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài.
Bản báo cáo năm 2019 của Liên hợp quốc về vấn đề người tị nạn và di cư đã nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục và sự cần thiết phải bổ sung các nguồn lực cho các nước có thu nhập thấp và trung bình - những quốc gia chiếm gần 90% số người tị nạn trên toàn cầu nhưng thiếu kinh phí để giải quyết vấn đề này./.