Với số lượng học sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 dự kiến tăng khoảng 24.000 em, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã buộc phải phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh tăng 19.500 học sinh so với năm học 2017-2018. Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức lớn với thành phố khi quy mô tăng nhưng cơ sở vật chất không “giãn nở”.
Sỹ số tăng đột biến
Với quan niệm trẻ sinh năm “Đinh, Nhâm, Quý thì tài”, nhiều gia đình đã chọn các năm này để sinh con dẫn đến số trẻ sinh những năm này luôn tăng đột biến so với những năm khác.
Hệ lụy của tình trạng này là số trẻ đi học có năm sinh đẹp nhiều hơn bất thường và gây quá tải lên cơ sở vật chất.
Đặc biệt, năm 2018, đồng loạt lứa học sinh được sinh trong năm đẹp chuyển cấp. Học sinh sinh năm 2012 - Nhâm Thìn (rồng vàng) vào lớp 1. Học sinh sinh năm 20007 – Đinh Hợi (lợn vàng) vào lớp 6. Học sinh sinh năm 2003- Quý Mùi (dê vàng) vào lớp 10. Nơi chịu tác động nhiều nhất của hệ lụy này là các thành phố lớn, dân cư đông, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019, số học lớp một dự kiến tăng khoảng 20.000 em, lớp 6 tăng khoảng 8.000 em và số học sinh lớp 10 tăng khoảng 21.000 em.
Tương tự, thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho thấy số trẻ vào lớp 1 của Hà Nội sẽ tăng khoảng 20.000 em, số trẻ vào lớp 6 tăng 11.000 em và số trẻ vào lớp 10 tăng khoảng 24.000 em so với mọi năm.
Trường, lớp quá tải
Trước việc số lượng học sinh tăng quá lớn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã buộc phải đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố tăng 19.500 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong khi đó, bậc tiểu học và trung học cơ sở là giáo dục phổ cập, bắt buộc phải đảm bảo chỗ học cho các em.
Vì thế, cả học sinh, phụ huynh và nhà trường sẽ phải đối mặt với áp lực về việc quy mô tăng đột biến trong khi cơ sở vật chất không “giãn nở”. Việc thiếu cơ sở vật chất, phòng học là chắc chắn.
“Số học sinh lớp một năm nay dự kiến là 300 cháu, tăng hơn nhiều so với năm trước. Đến phòng chức năng cũng phải chuyển đổi thành lớp học từ năm ngoái, năm nay số học sinh lại tăng nên chúng tôi rất lo,” thầy Nguyễn Văn Thiệu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mã thượng B (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ.
Tại trường Tiểu học Dịch Vọng B, Hà Nội, cô Phó hiệu trưởng Nguyễn Huyền Châu cũng bày tỏ lo lắng khi sỹ số hiện tại đã 60 học sinh/lớp. “Cơ sở vật chất của trường không tăng trong khi các chung cư vẫn tiếp tục mọc lên. Đây là băn khoăn rất lớn của chúng tôi,” cô Châu nói.
[Hà Nội tổ chức thi vào lớp 10 vào ngày 7/6, chỉ tiêu tuyển sinh tăng]
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, dù mỗi năm phòng học xây mới thêm 1.500 thậm chí là 2.000 phòng nhưng vẫn không đáp ứng đủ so với tốc độ trẻ vào đầu cấp. Hệ lụy là tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo quy định chỉ đạt 71%, thậm chí năm học tới, dự báo ở nhiều quận, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.
“Việc một số quận, huyện chấp nhận giảm tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày ở trường sẽ phá vỡ quy hoạch và yêu cầu nâng cao chất lượng ở trường,” ông Nguyễn Văn Hiếu, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Cũng theo ông Hiếu, ở bậc trung học phổ thông, số học sinh lớp 9 sẽ lên lớp 10 năm học tới là trên 100.000 em. Năm học 2017-2018, tổng số học sinh vào công lập là khoảng 71%. Năm nay, lãnh đạo sở cũng dự kiến số lượng vào công lập khoảng 70%, tức là khoảng 70.000 em học sinh sẽ được tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2018-2019.
Theo đó, năm 2018, sẽ có trên 30.000 học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh không có cơ hội học bậc trung học phổ thông ở các trường công lập. Cuộc đua vào trường công vì thế ngày càng căng thẳng./.