Triển khai hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan

Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan trên các lĩnh vực.
Khách xem các sản phẩm tại hội chợ hàng Thái Lan năm 2014. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thái Lan, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayut Chan-ocha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan ngày 23/7/2015.

Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayut Chan-ocha sẽ đồng chủ trì Họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3.

Hai nước Việt Nam- Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 6/8/1976. Năm 2004, hai nước đã tiến hành họp Nội các chung lần thứ nhất. Đây là cơ chế hợp tác song phương tầm vĩ mô do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì, đề ra các định hướng lớn trong quan hệ hữu nghị, hợp tác hai nước.

Quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt năm 2013, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha năm 2014, hai bên đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018. Đây là văn kiện quan trọng, bao gồm tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục hoạt động hiệu quả, hai bên tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương vào tháng 3/2015, Họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ nhất tại Đà Nẵng và lần thứ hai tại Hà Nội.

Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 9,4 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2012), năm 2014 đạt 10,6 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2013, riêng 5 tháng đầu năm 2015 kim ngạch thương mại đạt 4,35 tỷ USD.

Tính đến tháng 6/2015, Thái Lan là nhà đầu tư đứng thứ 10/101 quốc gia và vùng lãnh thổ với 392 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 6,8 tỷ USD.

Doanh nghiệp Thái Lan chủ yếu đẩy mạnh trên các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa... Việt Nam đang có 7 dự án đầu tư tại Thái Lan với tổng vốn đầu tư đạt 11,35 triệu USD chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, đồ dùng gia đình, du lịch, phần mềm, máy tính...

Về quan hệ quốc phòng, an ninh, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan. Hai bên cũng tích cực trao đổi các đoàn chuyên viên, học viện, nhà trường... nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao sang thăm và trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người..

Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục. Thái Lan hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy tiếng Thái tại một số trường đại học của Việt Nam như Đại học Quốc gia Thành phố Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Hà Nội...

Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Thái Lan đã tạo điều kiện cho việc xây dựng hai khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U Don Thani và tỉnh Nakhon Phanom là nơi năm xưa Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha hai bên đã ký Kế hoạch triển khai hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa giữa hai nước giai đoạn 2014-2016.

Bên cạnh đó, hai bên đã tăng cường hợp tác trong việc phát triển và khai thác tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; phát triển các tuyến đường bay giữa hai nước; tích cực đàm phán mở tuyến dịch vụ xe bus nối Thái Lan với Việt Nam qua Lào và tuyến vận tải ven bờ nối Thái Lan với Việt Nam qua Campuchia.

Hợp tác nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, Việt Nam đã cử nhiều đoàn sang Thái Lan học tập kinh nghiệm trong tổ chức và phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa; khảo sát về phát triển nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp, chế biến nông sản, cúm gia cầm, trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý nghề cá tại mỗi nước.

Hai bên đã ký một số hiệp định về lao động như bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác phát triển Đào tạo nghề, trong khuôn khổ hợp tác 5 nước Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Hai nước cũng đã ký Hiệp định khung về hợp tác khoa học-công nghệ và đang tiến hành dự thảo Hiệp định mới về khoa học-công nghệ.

Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan trên các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động; thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng.

Trong thời gian chuyến thăm, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan; gặp gỡ cộng đồng Việt Nam-Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục