Làn sóng đầu tư từ Thái Lan đang tích cực “chảy” vào Việt Nam

Trong những năm gần đây, không chỉ các tập đoàn lớn mà ngay cả doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan đã tăng cường mở rộng hoạt động, tạo nên “làn sóng” đầu tư từ Thái Lan sang Việt Nam.
Làn sóng đầu tư từ Thái Lan đang tích cực “chảy” vào Việt Nam ảnh 1Doanh nghiệp Thái Lan tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trong những năm gần đây, không chỉ các tập đoàn lớn mà ngay cả doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan đã tăng cường mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo nên “làn sóng” đầu tư từ Thái Lan sang Việt Nam.

Các chuyên gia đưa ra nhận định trên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan và Chương trình kết nối giao thương do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại Thái Lan), Văn phòng Thương vụ Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/7.

Theo bà Malinee Harnbongsong, Giám đốc Phòng Thương vụ, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam và Thái Lan là đối tác thân thiết trên mọi lĩnh vực, đặc biệt hai quốc gia ngày càng phát triển mạnh mẽ ở một số ngành mới như giáo dục, du lịch...

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm nay sẽ là nền tảng tạo ra mối liên kết chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, giữa Việt Nam và Thái Lan hơn nữa; đồng thời mang lại cơ hội mở rộng thị trường, khuyến khích doanh nghiệp khai thác tiềm năng của ASEAN.

Đánh giá về tiềm năng thị trường Việt Nam, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bangkok - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Việt Nam có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những thị trường lớn của khu vực ASEAN, với dân số hơn 90 triệu dân, nguồn lao động ngày càng được nâng cao tay nghề, chi phí sản xuất thấp, thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp được quy định rõ ràng... Do đó, doanh nghiệp Thái Lan có thể đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh thông qua các phương thức liên doanh; xây dựng nhà máy, công xưởng tại các khu công nghiệp...

Thái Lan đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 10,6 tỷ USD, riêng trong năm tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đã đạt gần 4,4 tỷ USD. Mặt khác, Việt Nam và Thái Lan đã đặt mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Việt Nam vẫn nhập siêu từ Thái Lan, đồng thời đang nỗ lực để hướng đến cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành trong năm 2015, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về thương mại, dịch vụ, dòng vốn, đầu tư... doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan cần chủ động chuẩn bị tốt để khai thác những cơ hội đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Ông Nguyễn Thế Hưng nhấn mạnh, đối với cộng đồng doanh nghiệp trong ASEAN, doanh nghiệp Thái Lan được đánh giá là thể hiện được sự năng động và rất tích cực để chuẩn bị hội nhập AEC. Vì vậy, Diễn đàn lần này sẽ là điểm đến hấp dẫn, tin cậy để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến các hoạt động đầu tư và kinh doanh; trong đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội tham gia các đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư của Thái Lan, nhằm nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Thái Lan nói riêng, ASEAN nói chung; đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.