Triển khai 'Lớp học thông minh' trên nền tảng Windows tại Thanh Hóa

Đây là lớp học thông minh trên nền hệ điều hành Windows mà các tập đoàn công nghệ Lenovo, Microsoft và AMD triển khai đầu tiên cho trường công tại Việt Nam.
'Lớp học thông minh' đầu tiên do các 'ông lớn' công nghệ Lenovo, Microsoft và AMD hợp tác xây dựng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 1/10 tại Thanh Hóa, Lenovo đã chính thức hợp tác với Microsoft và AMD để tài trợ xây dựng một “Lớp học thông minh” tại trường Trung học Phổ thông Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Với một danh mục toàn diện gồm các thiết bị, dịch vụ, phần mềm và giải pháp của Lenovo, Microsoft và AMD, "Lớp học Thông minh" sẽ tạo ra môi trường học tập kỹ thuật số giúp đơn giản hóa các công việc quản lý nội dung bài giảng, thúc đẩy tương tác giữa giáo viên và học sinh, đảm bảo khả năng theo dõi sát sao về tiến bộ của học sinh và bảo mật thiết bị của các em mọi lúc, mọi nơi.

"Lớp học thông minh" cũng sẽ mang tới một giải pháp giáo dục tương tác thông minh để tổ chức tốt hơn quy trình giảng dạy và nâng cao trải nghiệm dạy và học của cả giáo viên và học sinh.

[Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025]

Các học sinh sẽ được học tập, làm bài trực tiếp trên máy tính. Đồng thời các giáo viên cũng sẽ chấm điểm, đánh giá năng lực học sinh một cách dễ dàng. Các giáo trình cũng sẽ được "số hóa" để học sinh có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin bài học hơn. 

Ngoài ra, với bộ công cụ phần mềm Microsoft Office 365 A3 dành cho sinh viên và Microsoft Teams để học tập và cộng tác trực tuyến, học sinh có thể làm quen với các ứng dụng phần mềm thiết yếu hỗ trợ cho các em sau này khi lên đại học hoặc đi làm.

Ông Nguyễn Văn Giáp, Tổng Giám đốc Lenovo Việt Nam cho biết: “Lenovo tin rằng công nghệ thông minh là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, và các trường học ngày nay trở thành môi trường rất phù hợp cho mô hình giáo dục kết hợp giữa học tập tại lớp và trực tuyến."

Đại diện Lenovo Việt Nam cũng cho biết, đây là lớp học số trên nền hệ điều hành Windows mà Lenovo triển khai đầu tiên cho trường công tại Việt Nam. Trong tương lai, Lenovo cùng các đối tác mong muốn có cơ hội được nhân rộng các mô hình lớp học tương tự như vậy tới các khối trường công tại Việt Nam.

Trong tương lai mô hình 'Lớp học thông minh' này sẽ được phát triển nhiều nơi ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thầy Phạm Xuân Dinh, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Ba Đình chia sẻ: “Chúng tôi chắc chắn rằng các em học sinh và giáo viên sẽ nhanh chóng làm chủ các công nghệ này và có thể lan tỏa thành công này tới các ngôi trường khác để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nhanh hơn và hiệu quả hơn."

Đại diện nhà trường cũng cho biết thêm, toàn bộ học sinh nhà trường sẽ được trải nghiệm và thử nghiệm mô hình lớp học này trong thời gian tới. 

Dự án này nằm trong khuôn khổ hoạt động thường niên Global Month of Service (Tháng Dịch vụ Toàn cầu) của Lenovo giúp tạo ra một môi trường học tập số hóa cho ngôi trường này, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong học tập và giảng dạy.

Ra mắt vào năm 2017, chương trình hướng tới đóng góp cho cộng đồng địa phương bằng cách giúp cho các cộng đồng còn thiếu thốn về vật chất có thể tiếp cận công nghệ và giáo dục STEM và các hoạt động tình nguyện của nhân viên Lenovo.

Đầu tháng 9/2022, Lenovo cũng đã hợp tác với Google để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông qua chuyển đổi số ngành giáo dục bằng việc tài trợ các máy tính Chromebook cho giáo viên và học sinh lớp 6 của trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm, thành phố Cần Thơ để thầy trò của trường cơ hội tiếp cận tới các công nghệ giáo dục hiện đại, nâng cao trải nghiệm học tập và giảng dạy. Sự kiện được kỳ vọng sẽ đánh dấu một cột mốc mới trong việc hợp tác của các đối tác công nghệ để số hóa hệ thống giáo dục Việt Nam trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục