Theo tạp chí Diplomat mới đây, khi ông Ferdinand Marcos Jr chuẩn bị trở thành Tổng thống tiếp theo của Philippines, giờ là thời điểm để đánh giá nền kinh tế và xem xét một số thách thức phía trước.
Mặc dù không có nhiều thông tin chi tiết liên quan đến dự định quản lý nền kinh tế của tổng thống đắc cử Philippines, nhiều khả năng ông sẽ muốn duy trì các chính sách của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.
Bất chấp tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói tăng cao, kinh tế Philippines dưới thời ông Duterte hoạt động tương đối tốt và giúp ông nổi tiếng. Ông Marcos Jr chắc chắn hy vọng điều tương tự sẽ diễn ra đối với ông.
Duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô
Sau khi ông Duterte nhậm chức vào năm 2016, trong tất cả các năm dưới nhiệm kỳ của ông cho đến khi bùng phát đại dịch COVID-19, kinh tế Philippines đều tăng trưởng với tốc độ khoảng 6% hoặc cao hơn.
Thu nhập bình quân đầu người tăng 30% từ năm 2015 đến năm 2019. Điều đó cho thấy các hoạt động đầu tư đang diễn ra nhiều hơn và các điều kiện đầu tư đã được cải thiện rộng rãi, đặc biệt đối với vốn nước ngoài, dưới thời ông Duterte.
Theo Ngân hàng Trung ương Philippines, đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ khoảng 100 triệu USD năm 2015 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019.
Chính phủ của ông Duterte cũng đã đối phó với đại dịch COVID-19 một cách hợp lý, ít nhất là từ quan điểm kinh tế vĩ mô, giải quyết vấn đề thâm hụt tài chính lớn để tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, thực hiện các gói kích thích và cung cấp trợ cấp xã hội…
Đến quý 4/2021, tổng thu nhập quốc dân theo giá cố định đã tăng trở lại mức 103 tỷ USD, thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, ông Marcos Jr rất có thể sẽ muốn thấy động lực này được củng cố và tiếp tục, với tăng trưởng kinh tế hàng năm ổn định trở lại ở mức 6% hoặc cao hơn, cùng với việc hình thành vốn và các nguồn FDI.
Có rất nhiều sự không chắc chắn trong các dự báo kinh tế. Philippines nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Năm ngoái, riêng thâm hụt hàng hóa thương mại của nước này là gần 54 tỷ USD. Đây cũng là "di sản" của chính quyền ông Duterte, theo đó nhập khẩu tăng nhanh đáng kể.
Điều này thường được bù đắp ở một mức độ nào đó bằng thặng dư xuất khẩu trong lĩnh vực dịch vụ và thu nhập do người Philippines sống và làm việc ở nước ngoài chuyển về. Ngay cả như vậy, kết thúc năm 2021, Philippines vẫn ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai hơn 6 tỷ USD.
[Tổng thống đắc cử Philippines thảo luận thỏa thuận quốc phòng với Mỹ]
Nếu vào những thời điểm bình thường, điều đó có lẽ sẽ không phải là vấn đề lớn. Nhưng ông Marcos Jr lại đảm nhận chức vụ Tổng thống Philippines ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát và điều này thường gây sức ép lớn đối với các quốc gia đang bị thâm hụt tài khoản vãng lai.
Đồng peso của Philippines đã liên tục mất giá so với đồng USD kể từ giữa năm 2021 và điều đó có thể sẽ tiếp tục trong các điều kiện hiện tại. Điều này sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn khi mà nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với áp lực lạm phát.
Một điều khác cần xem xét là Philippines nhập khẩu rất nhiều năng lượng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2019, Philippines nhập khẩu 8,5 triệu tấn dầu thô và 30,7 triệu tấn than.
Đồng peso suy yếu và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao sẽ tạo thêm áp lực tăng giá xăng và điện vào thời điểm lạm phát đã ở mức cao. Trong khi đó, do đại dịch COVID-19, chính phủ Philippines đã bị thâm hụt ngân sách khá lớn, lên tới 8,6% GDP vào năm ngoái. Điều này sẽ tạo ra một số hạn chế đối với tài khóa trong tương lai.
Ông Marcos Jr sẽ nhậm chức vào thời điểm nền kinh tế có mức lạm phát cao và các ngân hàng trung ương có xu hướng thắt chặt tiền tệ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này có thể sẽ làm suy yếu thị trường tiền tệ và khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là các mặt hàng mà Philippines nhập khẩu nhiều như dầu thô và than đá, đồng thời làm tăng giá năng lượng đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, cũng có thể có một số thay đổi trong cách phân bổ vốn nước ngoài trong hệ thống tài chính toàn cầu, khiến dòng vốn FDI trở nên khan hiếm hơn so với thời kỳ của ông Duterte.
Mặc dù có một số hạn chế về tài chính nhưng ông Marcos Jr vẫn có cách để giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên, điều đó sẽ liên quan đến năng lực quản trị, hoạch định chính sách đúng đắn và khả năng hiểu rõ tình hình cũng như cân nhắc các đánh đổi.
Do đó, việc chính quyền ông Marcos Jr có thực hiện được nhiệm vụ đó hay không sẽ là một trong những câu hỏi lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Chính sách ngoại giao: Mỹ hay Trung Quốc?
Liên quan đến các triển vọng chính sách đối ngoại, tác giả bài viết trên báo The Straits Times số ra ngày 16/5 nhận định nhiệm kỳ Tổng thống của ông Marcos Jr sẽ đem lại cho Mỹ cơ hội để cài đặt lại quan hệ với đồng minh lâu đời nhất của mình ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng "háo hức" muốn chứng kiến mối quan hệ thân thiết và nồng ấm với Philippines, từng tồn tại dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte, sẽ được chuyển giao cho chính phủ của ông Marcos Jr.
Bản thân ông Marcos Jr vẫn chưa đưa ra chi tiết về chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, từ những gì mà các trợ lý đang tiết lộ, dường như ông sẽ đưa chính sách đối ngoại về vị trí cân bằng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Philippines và bày tỏ mong muốn tăng cường liên minh giữa hai quốc gia. Nhà Trắng cho biết: "Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng ông mong muốn làm việc với Tổng thống đắc cử của Philippines để tiếp tục tăng cường liên minh Mỹ-Philippines, đồng thời mở rộng hợp tác song phương trong một loạt vấn đề, trong đó có chống đại dịch COVID-19, giải quyết cuộc khủng hoảng về khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở rộng rãi và tôn trọng nhân quyền."
Từ Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã chúc mừng ông Marcos Jr và nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Philippines là "hai nước láng giềng đối diện nhau trên biển và là các đối tác trung thành."
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian phát biểu: "Tôi tin chắc rằng dưới thời chính quyền mới, quan hệ song phương của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, hai dân tộc sẽ xích lại gần nhau hơn và sự hợp tác giữa hai bên sẽ sâu sắc và mở rộng hơn. Chúng tôi mong muốn làm việc với chính phủ mới của Philippines để nâng cấp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của chúng ta lên tầm cao mới và mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho nhân dân hai nước."
Ông Vic Rodriguez, người phát ngôn của ông Marcos Jr, nhấn mạnh mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ sẽ tốt đẹp hơn. Ông cho biết chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Marcos Jr sẽ mang tính bao trùm: "Chúng tôi sẽ không dành riêng cho bất kỳ ai. Lợi ích của người dân Philippines và lợi ích quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu và sẽ không bao giờ được thỏa hiệp... Điều đó sẽ không bao giờ được thỏa hiệp."
Các nhà phân tích cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Marcos Jr có thể được định hướng bởi những hành động mà ông cần thực hiện để khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn đại dịch COVID-19.
Chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Duterte đã hướng về Trung Quốc khi ông cần sự giúp đỡ để tài trợ cho kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 3.000 tỷ peso đầy tham vọng của mình. Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Duterte đã có được 24 tỷ USD cam kết từ Trung Quốc, trong đó 9 tỷ USD là các khoản vay ưu đãi và 15 tỷ USD cho các thỏa thuận kinh tế. Tuy nhiên, 5 năm sau, hầu hết các dự án lớn do Trung Quốc tài trợ vẫn chưa động thổ hoặc thậm chí chưa được phê duyệt, chỉ có ba dự án được xây dựng.
Trung Quốc đã mở rộng sự giúp đỡ đối với Philippines, nước này đã chi khoảng 5 tỷ peso để xây dựng hai cây cầu nối các thành phố quan trọng của Manila. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên giúp Philippines đẩy lùi đại dịch COVID-19 với việc cung cấp khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ và vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng đã cung cấp vũ khí và trang thiết bị xây dựng cho quân đội Philippines. Tuy nhiên, những sự giúp đỡ này không thực sự đem lại sự thay đổi như Tổng thống Duterte đã kỳ vọng.
Bản thân ông Marcos Jr chắc chắn cũng sẽ quay sang Trung Quốc để nhận được sự giúp đỡ. Tuy nhiên, ông Marcos Jr được cho là phải "giăng ra tấm lưới rộng hơn" vì ông muốn làm cho chính sách đối ngoại của mình mang tính bao trùm.
Trong khi đó, Mỹ có thể không trực tiếp giúp ông giải quyết vấn đề nợ nần, nhưng nước này vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, nhà tuyển dụng lớn nhất của lao động Philippines trong lĩnh vực gia công, và là nơi có số người Philippines giàu có sống ở nước ngoài đông nhất./.