Triển vọng cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc

Tạp chí Thế giới đương đại số 7/2021 của Trung Quốc đăng bài viết của tác giả Đằng Kiến Quần, Tổng thư ký, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế về triển vọng cạnh tranh chiến lược của Mỹ-Trung.
Triển vọng cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc ảnh 1Quốc kỳ Trung Quốc và quốc kỳ Mỹ trước một phiên thảo luận về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạp chí Thế giới đương đại số tháng 7/2021 của Trung Quốc có đăng bài viết của tác giả Đằng Kiến Quần, Tổng Thư ký kiêm chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc về triển vọng cạnh tranh chiến lược của Mỹ-Trung.

Nội dung bài viết như sau:

Chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể được khái quát như “1 chiến lược và 4 trụ cột,” đó là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ngoại giao đa phương, ngoại giao đồng minh, ngoại giao giá trị quan và ngoại giao quy tắc.

Từ góc độ đường lối, chính quyền ông Biden tiếp tục điều chỉnh việc triển khai trên phạm vi toàn cầu và phát động toàn diện cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhằm áp đảo nước này và bảo vệ quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Sự lựa chọn chính sách này ảnh hưởng đến triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau giữa Trung Quốc-Mỹ, cùng sự ổn định quan hệ song phương. Trong khi đó, cũng cần lưu ý rằng chính quyền ông Biden vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong đối nội và đối ngoại và chính sách đối với Trung Quốc của họ vẫn đang trong thời gian điều chỉnh.

Lộ trình chính sách chiến lược đối với Trung Quốc của Mỹ

Trong 10 năm đầu sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính sách đối ngoại của Mỹ ở trạng thái "chiều sâu chiến lược," Mỹ ngang dọc khắp toàn cầu hầu như không có đối thủ thực tế, thậm chí Mỹ còn tính đến việc rút một phần quân đồn trú ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong giai đoạn này, Mỹ dần tách xa khỏi Trung Quốc, chấm dứt hợp tác với Trung Quốc trên nhiều phương diện.

Sau năm 2000, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã thực hiện ý đồ chuyển hóa đánh giá về mối đe dọa đối với Mỹ sang cạnh tranh giữa các cường quốc, sau đó tiến hành cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhưng vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã buộc Mỹ phải chuyển mối quan tâm sang hoạt động chống khủng bố toàn cầu. Giai đoạn này, Mỹ vẫn cần sự hợp tác của Trung Quốc và Nga. Điểm nổi bật của hợp tác Mỹ-Trung là tập trung vào kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và cấm phổ biến vũ khí.

Tiếp đó, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã kết thúc cuộc chiến chống khủng bố và đề xuất chiến lược "Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương," nhằm lợi dụng sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về quyền, lợi ích lãnh thổ và hàng hải để tạo ra lợi thế cho Mỹ.

Tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã cho rằng Mỹ nên tham gia vào một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Tháng 10/2019, Phó Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Mike Pence đã giải thích về chiến lược cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc của Mỹ.

Ngoài căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng leo thang, quan hệ hai bên trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh, công nghệ, giao lưu nhân dân, văn hóa cũng có sự thoái trào toàn diện, và tiếng nói "phân tách" với Trung Quốc đang thịnh hành tại Mỹ.

Giờ đây, sau khi chính quyền ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã hoàn thiện chính sách Trung Quốc của mình. Nội hàm chính bao gồm việc tuân thủ "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," sử dụng ngoại giao đa phương, ngoại giao đồng minh, ngoại giao giá trị chung và hệ thống quy tắc quốc tế do Mỹ lãnh đạo để kiềm chế Trung Quốc, làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh.

Tạo “bước đệm” trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

Hiện nay, Mỹ đang bước vào thời kỳ có những điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và trọng tâm chiến lược của nước này đang chuyển sang cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Dựa trên kết quả hoạt động liên quan của chính quyền ông Biden, có thể suy luận về những lộ trình cơ bản trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

[Trọng tâm của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ: Phục hồi hay tăng trưởng?]

Bên cạnh việc tiếp tục thu nhỏ triển khai quân ở các khu vực liên quan và giảm can thiệp vào các vấn đề của khu vực khác, chính quyền đương kim Tổng thống nhiều khả năng sẽ sử dụng "mối đe dọa Nga" để kiểm soát châu Âu. Sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, ông đã tích cực khôi phục các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đã tăng cường liên lạc với các nước châu Âu trong nỗ lực nhằm đưa châu Âu trở lại quỹ đạo cũ. 

Cuộc điện đàm đầu tiên của ông Austin sau khi nhậm chức là cho Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương(NATO) Jens Stoltenberg. Ông Blinken đã liên tiếp tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Về hướng Đông Ukraine và Biển Đen, chính quyền ông Biden đã hỗ trợ Ukraine đoàn kết chính trị và hỗ trợ kinh tế, đồng thời cử một phái đoàn quân sự cấp cao sang thăm Ukraine.

Ngoài ra, NATO thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Baltic, Đông Âu và Biển Đen. Cần lưu ý rằng việc tạo ra "mối đe dọa Nga" để kiểm soát chặt chẽ các nước châu Âu dưới ngọn cờ của Mỹ thực chất là một bước chuẩn bị quan trọng để chính quyền Biden phát động một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Tháng Sáu vừa qua, ông Biden có chuyến thăm châu Âu trong 8 ngày, ngay từ khi đến nước Anh, ông luôn đề cập đến vấn đề “thách thức Trung Quốc.” Đầu tiên cùng với với Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố “Hiến chương Đại Tây Dương mới,” sau đó lại tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc" tại hội nghị thượng đỉnh G7 và hội nghị thượng đỉnh NATO. Mục đích là nhằm ràng buộc các nước châu Âu vào “cỗ xe chiến tranh” trong cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc, dù không phải tất cả các nước châu Âu đều coi Trung Quốc là mối đe dọa chính của họ.

Bên cạnh đó, Washington nhiều khả năng sẽ tranh thủ sự ổn định trong quan hệ Mỹ-Nga, hướng mũi nhọn nhằm vào Trung Quốc. Mặc dù ông Biden nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga là "mối đe dọa chính" và là đối thủ chính của Mỹ trong suốt cuộc bầu cử và sau khi đắc cử, song ông đã hợp tác vô điều kiện với Nga. Điều này được thể hiện qua việc hai nước đạt được thỏa thuận nhất trí về việc gia hạn “Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới."

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, đó là ra sức triển khai cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Chính quyền ông Biden đã xác định đối thủ chính của Mỹ là Trung Quốc, và đang tập trung mọi nỗ lực để đối phó với “thách thức” từ Trung Quốc. Do đó, ông Biden tiếp tục "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương" của thời cựu Tổng thống Trump và sử dụng điều này để chống lại sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Các trụ cột trong chính sách Trung Quốc

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden và các thành viên trong Nội các đã nhiều lần giải thích các chính sách của họ đối với Trung Quốc. Tháng Hai năm nay, Tổng thống Biden đã có một bài phát biểu, chỉ ra rằng Trung Quốc là "đối thủ nặng ký nhất" của Mỹ, Mỹ sẽ chỉ chuẩn bị hợp tác với Trung Quốc nếu nước này phù hợp với lợi ích của mình. 

Ông nói rằng Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh để chống lại Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Blinken chỉ ra rằng quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ là một mối quan hệ cạnh tranh chiến lược được bình thường hóa và nếu có thể, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc nhưng nếu cần thiết, Mỹ sẽ coi Trung Quốc là "kẻ thù." Tổng hợp lại, chính sách Trung Quốc của chính quyền ông Biden chủ yếu bao gồm các trụ cột sau:

Thứ nhất, lấy lại ngoại giao đa phương. Chính sách ngoại giao đa phương của chính quyền ông Biden có thể được chia thành hai cấp độ. Một là, quay trở lại các cơ chế quốc tế đa phương. Sau khi chính quyền Tổng thống Biden nhậm chức đã không hoàn toàn quay trở lại cơ chế quốc tế đa phương mà Mỹ đã rút lui dưới thời chính quyền Trump, mà sử dụng một cách tiếp cận có chọn lọc.

Mục đích chính của sự trở lại này không phải là cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho cộng đồng quốc tế, mà là tranh thủ tiếng nói quốc tế để lôi kéo các nhóm nhỏ. Ở cấp độ của cơ chế đa phương quốc tế, chính quyền ông Biden đã tuyên bố quay trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đóng góp bổ sung kinh phí và tham gia tích cực. Logic đằng sau động thái này rất rõ ràng, đó là nếu vắng Mỹ, Trung Quốc sẽ trở thành lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như WHO, do đó Mỹ phải quay trở lại cơ chế đa phương quốc tế và nắm chắc vai trò lãnh đạo.

Thứ hai là thúc đẩy ngoại giao đa phương với các nhóm nhỏ các nước. Ngoại giao đa phương mà chính quyền ông Biden đã lấy lại được trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và thương mại nói chung là ngoại giao nhóm nhỏ. Ví dụ, Washington tăng cường hơn nữa các cơ chế an ninh của 4 nước là Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, đồng thời cố gắng mời các nước liên quan như Hàn Quốc tham gia. Điều này rõ ràng là có tâm lý Chiến tranh lạnh, tức là điều chỉnh nhóm đồng minh và tiến hành cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Triển vọng cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, chính quyền ông Biden đang xem xét quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để tạo ra một cơ chế thương mại tiêu chuẩn cao ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời phát động cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Thứ ba, thúc đẩy ngoại giao giá trị quan. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã bắt đầu chú ý đến tầm quan trọng của các giá trị ngoại giao nhằm kiềm chế Trung Quốc. Khi đó, Trợ lý các vấn đề an ninh quốc gia Mỹ O’Brien, Giám đốc FBI Christopher A. Wray, Tổng chưởng lý William Barr và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xuất bản 4 bài báo liên tiếp từ tháng 6-7/2020, chỉ ra sự khác biệt về giá trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhấn mạnh rằng Mỹ phải coi trọng sự cạnh tranh chiến lược của mình với Trung Quốc về giá trị quan.

Ngoài ra, việc giương cao ngọn cờ ngoại giao đồng minh cũng rất được chú trọng. Trong lịch sử, ngay cả khi hai cuộc chiến tranh thế giới xảy ra ở châu Âu, Mỹ cũng không thiết tha can thiệp và chỉ hành động sau khi tình hình rõ ràng. Tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm cho Mỹ thay đổi từ một quốc gia con nợ thành một quốc gia chủ nợ. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ thành lập một liên minh quân sự toàn cầu bằng cách ký kết các hiệp ước quân sự. Các liên minh quân sự là trụ cột để Mỹ thống trị thế giới.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, liên minh quân sự của Mỹ vẫn đóng một vai trò quan trọng. Nhìn bề ngoài, Mỹ đảm bảo an ninh cho các đồng minh của mình; về bản chất, do sự tồn tại của hệ thống liên minh quân sự, Mỹ có thể duy trì các lợi ích thương mại to lớn ở châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù hệ thống liên minh quân sự của Mỹ bị tổn thất nặng nề dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, nhưng ông Biden lại nhận thức rất rõ tầm quan trọng của liên minh này trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính vì thế, tháng 2/2021, ông Biden đã tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich rằng "Mỹ đã trở lại và liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại."

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền ông Biden đã thắt chặt quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã điện đàm cho Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, cam kết rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật Bản "khả năng răn đe hạt nhân mở rộng."

Sau đó, Mỹ liên tiếp tổ chức các cuộc gặp “2 + 2” với Nhật Bản và Hàn Quốc để níu kéo các đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở cả cấp độ ngoại giao và quốc phòng, đồng thời đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc về chi phí đồn trú của quân đội Mỹ. Đặc biệt, Mỹ ủng hộ kế hoạch xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương của Nhật Bản, nhằm “trói chân” Nhật Bản để cùng gây sức ép chiến lược với Trung Quốc.

Báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ công bố tháng 12/2017 chỉ ra rằng Trung Quốc đang thay đổi trật tự quốc tế do Mỹ thống trị sau Thế chiến thứ hai. Do đó, Mỹ phải ngăn chặn hành vi được gọi là "chủ nghĩa xét lại" này của Trung Quốc. So với chính sách Trung Quốc của chính quyền ông Trump, chính quyền Tổng thống Biden dường như có tổ chức hơn và họ phải sử dụng các quy tắc để loại trừ ảnh hưởng của Trung Quốc khỏi trật tự quốc tế và hệ thống quốc tế hiện có.

Có thể nói, theo tầm nhìn của chính quyền ông Biden, cái gọi là ngoại giao quy tắc mà nước này theo đuổi bao gồm một số khía cạnh: Một là, duy trì trật tự quốc tế hiện tại và các cơ chế quốc tế có lợi cho Mỹ. Hai là, đáp ứng một loạt các đề xuất quốc tế do Trung Quốc đưa ra trong những năm gần đây, bao gồm ý tưởng về một kiểu quan hệ quốc tế mới, sáng kiến "Vành đai và Con đường"…) và xây dựng các cơ chế quốc tế (như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á…). Ba là, xây dựng lại trật tự quốc tế và các cơ chế quốc tế, bao gồm các thỏa thuận cụ thể hàng đầu trong các tổ chức đa phương quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong tương lai, Mỹ sẽ tăng cường tiếng nói của mình trong WTO và các tổ chức quốc tế khác. Để cải cách WTO, Mỹ sẽ đề xuất các điều khoản liên quan hạn chế và ràng buộc Trung Quốc, chẳng hạn như tình trạng của các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp của chính phủ. Mỹ cũng sẽ tạo ra các quy tắc quốc tế mới, chẳng hạn như tái gia nhập TPP.

Triển vọng chính sách Trung Quốc của chính quyền ông Biden

Tổng thống Biden từng đăng một bài báo trên The New York Times năm 2011 cho rằng “sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là dấu chấm hết cho Mỹ”. 10 năm sau, ông lại nhấn mạnh sự cạnh tranh hoàn toàn với Trung Quốc, phản ánh sự xuất hiện trong nhận thức của các nhà hoạch định quyết sách chính trị Trung Quốc của Mỹ; đồng thời cũng thể hiện rõ chính sách Trung Quốc của ông Biden là nhằm đáp ứng nhu cầu của các vấn đề nội bộ của Mỹ, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào các nhu cầu chính trị của cá nhân ông hay đảng Dân chủ. Nhìn từ khía cạnh nhiều mặt, lựa chọn chính sách “cuộc chiến được mất” mang đậm tâm lý Chiến tranh lạnh này có những khuyết điểm cố hữu của nó.

Thứ nhất, mô hình tư duy ngoại giao giáo điều của Mỹ khó thích ứng với tốc độ phát triển của thời đại hiện nay. Đối với Mỹ, duy trì quyền bá chủ toàn cầu là điểm khởi đầu cho sự lựa chọn cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Trong quá trình quan hệ Mỹ-Trung chuyển từ hợp tác sang cạnh tranh, sự phát triển của Trung Quốc là xu hướng không thể ngăn cản. Dù là lôi kéo bè phái hay chơi “bài giá trị quan,” nếu so sánh quyền lực Mỹ-Trung hiện nay, Mỹ khó có thể “đè bẹp” Trung Quốc.

Triển vọng cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc ảnh 3Cờ Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Thứ hai, mâu thuẫn giữa giới tinh hoa chính trị và tư bản thương mại Mỹ đan xen và chồng chéo nhau, khiến chính quyền ông Biden khó thống nhất chính sách Trung Quốc. Với vai trò là chính sách đối ngoại, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rõ ràng đang thiếu liên kết về mục tiêu, khả năng và quyết tâm.

Mặc dù Chính phủ Mỹ và giới tinh hoa đã chú ý đến sự hoán đổi vị thế giữa Trung Quốc và Mỹ trong 20 đến 30 năm tới, nhận thức của xã hội Mỹ về Trung Quốc cũng đã thay đổi, họ tin rằng Trung Quốc đang "điều chỉnh" trật tự quốc tế và tăng cường đối phó. Tuy nhiên, các nhóm lợi ích ở Phố Wall lại quan tâm hơn đến lợi ích thương mại trước mắt và không muốn để ý quá nhiều đến các vấn đề 20 đến 30 năm tới. Sự chia rẽ này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách về Trung Quốc của chính quyền ông Biden.

Thứ ba, ngoại giao giá trị quan khó có hiệu quả lâu dài. Chính quyền ông Biden tôn sùng ngoại giao giá trị quan. Ý tưởng cốt lõi là thu hút các đồng minh, tập hợp các nước dường như có cùng giá trị và hỗ trợ cho chính sách cạnh tranh chiến lược của Mỹ chống lại Trung Quốc. Ý nghĩa sâu xa của việc này là nhằm mở một cuộc chiến ý thức hệ để cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong một thời gian nhất định, chủ đề về các giá trị quan do Mỹ tạo ra sẽ phát huy vai trò và sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia hoặc tổ chức liên quan. Sau năm 2019, doanh nghiệp khai thác viễn thông Nhật Bản KDDI, Tập đoàn SoftBank, Công ty Điện báo và Điện thoại Nhật Bản (NTT), doanh nghiệp điều hành viễn thông EE và Vodafone của Anh đã liên tiếp thông báo hoãn bán điện thoại di động Huawei 5G. Lý do là theo đánh giá dựa trên các chỉ thị liên quan của Mỹ, người ta tin rằng thiết bị 5G của Huawei có cái gọi là rủi ro bảo mật.

Sự hợp tác giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông cũng chịu ảnh hưởng. Tháng 7/2020, chính phủ của Thủ tướng Johnson thông báo rằng họ sẽ tạm ngừng hợp tác với Huawei về 5G và các công nghệ khác, đồng thời loại bỏ các thiết bị của Huawei tại Vương quốc Anh. Điều này rất khác với thái độ của Anh hồi đầu năm, cho rằng hợp tác với Huawei là có lợi. Tháng Năm vừa qua, Litva tuyên bố tách khỏi cơ chế "Hợp tác 17+1" giữa Trung Quốc Trung, Đông Âu, vốn cũng bị ảnh hưởng bởi cái gọi là ngoại giao giá trị quan.

Các giá trị ngoại giao của chính quyền ông Biden không phải là phục vụ các đồng minh và đối tác, mà là cái cớ để tập hợp kiềm chế Trung Quốc và quốc gia đi sau Mỹ có thể cảm thấy họ không thu lợi nếu từ chối công nghệ 5G mà thậm chí có thể rơi vào tình trạng lạc hậu. Trong khi đó, chính quyền ông Biden dường như chỉ quan tâm tập trung vào cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và không quan tâm đến việc các nước khác sẽ bị thụt lùi.

Tóm lại, chính quyền ông Biden có vẻ như đã khôi phục tư duy kiểu cũ, theo đuổi chính sách cạnh tranh chiến lược của các cường quốc. Điều này khó có thể thành công. Sự đa cực của chính trị quốc tế đã khiến thời đại một hoặc một vài cường quốc thống trị thế giới trở nên lỗi thời. Trong khi đó, toàn cầu hóa kinh tế đã đưa các chuỗi công nghiệp của thế giới kết nối chặt chẽ với nhau, sự mất kết nối của chuỗi này đồng nghĩa với việc cản trở sự phát triển.

Ngoài ra, quá trình thông tin hóa xã hội cũng cho phép con người có thể giao tiếp tùy ý, cập nhật công nghệ để đẩy nhanh quá trình biến đổi thế giới thành một ngôi làng toàn cầu. Trong bối cảnh này, Mỹ khó có thể xây dựng thế độc quyền lũng đoạn công nghệ “khép kín.”

Nhìn từ bối cảnh chung này, các mục tiêu và khả năng của chính sách Trung Quốc của chính quyền ông Biden không giống nhau. Về mục tiêu, chính sách Trung Quốc của chính quyền ông phản ánh sự lo lắng hiện tại của Mỹ là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Về năng lực, Mỹ không còn mạnh như xưa và không đủ khả năng phát động một cuộc "Chiến tranh lạnh mới" nhằm chống lại Trung Quốc. Về cơ bản, sự phát triển của Trung Quốc phù hợp với xu thế chung của thời đại, Trung Quốc có đủ khả năng và quyết tâm để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đây là điểm mấu chốt dẫn đến thất bại trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện của Mỹ với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục