Theo Trang thehill.com, hai miền Triều Tiên đã công bố các biện pháp nhằm khôi phục các cuộc đàm phán và các kênh liên lạc giữa hai bên.
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên có thể sắp diễn ra. Và thậm chí còn hơn thế nữa: thông báo vừa qua của hai nước có nghĩa là các cuộc đàm phán thực sự ở cấp làm việc nhằm hướng tới một thỏa thuận - chứ không phải là những hội nghị thượng đỉnh “kiểu Trump” chỉ để phô diễn trên truyền hình - có thể dẫn tới việc các hoạt động ngoại giao phù hợp sẽ được triển khai trên bán đảo này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rất mong muốn thúc đẩy đàm phán liên Triều. Kể từ khi nhậm chức, ông đã tuyên bố rõ rằng ông coi ngoại giao là con đường duy nhất để thúc đẩy hòa giải và hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.
Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Moon Jae-in đã coi Triều Tiên là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Rất may cho ông, chính quyền Biden đã nhiều lần chỉ ra rằng họ sẵn sàng làm việc với Bình Nhưỡng.
Thậm chí, Washington dường như đã sẵn sàng thực hiện một cách tiếp cận thực tế và miễn cưỡng chấp nhận một thỏa thuận kiểm soát vũ khí như bước đi đầu tiên để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Đổi lại, chính quyền Tổng thống Biden sẽ mở ra cánh cửa hợp tác kinh tế liên Triều. Do đó, vấn đề nằm ở Bình Nhưỡng.
Triều Tiên thực sự đã trở thành một vương quốc ẩn dật kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát: họ đóng cửa biên giới, yêu cầu các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài rời khỏi đất nước.
[Hội nghị EAS: Hàn Quốc cam kết nối lại đối thoại với Triều Tiên]
Bình Nhưỡng cũng đã sử dụng mọi kiểu lăng mạ nhắm vào Tổng thống Moon Jae-in, và nói chung là cả Seoul. Triều Tiên đã tỏ ra khá thờ ơ trước những động thái ngoại giao của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thực sự quan tâm đến hợp tác giữa hai miền Triều Tiên hay không? Câu trả lời dường như là có.
Chắc chắn, lý do chính khiến Bình Nhưỡng quyết định thay đổi cách tiếp cận đối với Seoul là do tình hình kinh tế tồi tệ của nước này. Ông Kim Jong-un đã tự xác nhận những thông tin về tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên.
Có vẻ như Triều Tiên vẫn chưa được tiếp nhận vaccine COVID-19, ít nhất là về mặt chính thức. Và hoạt động trao đổi thương mại với Trung Quốc đang dần dần chững lại.
Quan hệ tốt hơn với Hàn Quốc có thể gúp Bình Nhưỡng nhận được viện trợ và vaccine trong tương lai gần, cũng như có triển vọng kinh tế tốt hơn về lâu dài, nếu hợp tác kinh tế liên Triều tiến triển.
Ngoài ra, ông Kim Jong-un có lẽ ít nhất cũng bị hấp dẫn bởi những đề xuất ngoại giao của Tổng thống Biden. Đây không phải là việc khôi phục “sự kiên nhẫn chiến lược,” một chính sách của chính quyền Barck Obama trước đây mà theo đó về cơ bản là bỏ mặc Triều Tiên.
Quan hệ kinh tế liên Triều sẽ không tiến triển trừ phi Washington đồng ý miễn trừ các lệnh trừng phạt nhằm cho phép Hàn Quốc đầu tư vào Triều Tiên.
Tuy nhiên, chính quyền Biden đang tham khảo ý kiến của Seoul về chính sách đối với Triều Tiên, điều mà cựu Tổng thống Trump chưa bao giờ làm. Do đó, Bình Nhưỡng không thể khiến Washington đối đầu với Seoul. Triều Tiên cần làm việc với cả hai bên nếu muốn kiểm tra cam kết ngoại giao của ông Biden.
Với việc Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên còn ông Kim Jong-un có những lý do hợp lý của riêng mình để hướng tới các cuộc đàm phán, cơ hội cho ngoại giao đang được mở ra.
Triều Tiên đã tỏ ra là một đối tác đàm phán thiếu tin cậy, nhưng ông Kim Jong-un chắc chắn hiểu rõ rằng chỉ có ngoại giao mới có thể giúp Triều Tiên vượt qua những khó khăn kinh tế hiện nay, vốn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19. Vì vậy, dù thực sự tin vào ngoại giao hay chỉ vì tư lợi, Bình Nhưỡng cũng đang mở rộng cánh cửa với ngoại giao.
Tuy nhiên, với Triều Tiên, trước đây chúng ta từng chứng kiến những điều tương tự. Các đời tổng thống Mỹ kể từ thời Bill Clinton đã tham gia vào một số hình thức đàm phán với Triều Tiên. Những người bi quan có thể cho rằng chẳng có lý do gì để nghĩ rằng bất kỳ một cuộc đàm phán tiềm năng nào dưới thời Tổng thống Biden sẽ tạo ra một kết quả khác.
Tuy nhiên, những người lạc quan sẽ nhận thấy một sự kết hợp hiếm có giữa chính quyền tự do ở Washington và Seoul, cộng thêm ảnh hưởng của một đại dịch đã làm thay đổi tính toán của Triều Tiên. Ông Moon Jae-in có lẽ đã hy vọng sự kết hợp này có thể thuyết phục Triều Tiên rằng ngoại giao là con đường mà nước này nên lựa chọn.
Nếu điều này diễn ra và hai miền Triều Tiên khởi động một tiến trình ngoại giao bền vững, trong khi Washington và Bình Nhưỡng cũng tiến hành đàm phán, bối cảnh này sẽ khiến cho tân tổng thống Hàn Quốc nhậm chức vào năm tới cũng sẽ ưu tiên thực hiện các biện pháp ngoại giao.
Nói cách khác, ông Moon Jae-in hy vọng sẽ tạo ra tình thế buộc người kế nhiệm phải đi theo con đường của ông, cho dù người đó có muốn hay không. Do đó, “bóng đang ở trên sân" của Bình Nhưỡng.
Nếu ông Kim Jong-un thực sự sẵn sàng cho các hoạt động ngoại giao, như tuyên bố của Triều Tiên hôm 27/7 vừa qua, ông Moon Jae-in sẽ đáp lại. Tuy nhiên, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên không sẵn sàng, Hàn Quốc có thể sẽ quay lưng lại với các cuộc đàm phán trong nhiều năm tới./.