Theo trang mạng brookings.edu, phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Singapore và Papua New Guinea trung tuần tháng 11 này không chỉ tái khẳng định cam kết của Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn khớp nối chiến lược kinh tế của Mỹ đối với khu vực này.
Ông nói rằng Washington sẽ tìm cách cải cách các thể chế tài chính của Mỹ và tạo ra một quan hệ đối tác giữa các thành phố thông minh của Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong khi sự tiến bộ này là rất đáng khen, trước mắt còn nhiều thứ cần phải làm để tiến tới sự hợp tác Mỹ-ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ 6 hôm 15/11 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tái khẳng định với các quốc gia về cam kết của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng ASEAN là “đối tác chiến lược quan trọng và không thể thay thế” của Washington.
Ông nói thêm: “Chúng ta thừa nhận rằng các lợi ích của hai bên là đan xen và tầm nhìn của hai bên là thực sự giống nhau.”
Ông cũng nhắc lại chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” một khu vực luôn tôn trọng “chủ quyền của các quốc gia và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và là nơi “không có chỗ cho đế quốc và sự hung hăng.”
Liên quan đến các thành phần kinh tế trong chiến lược này, theo Phó Tổng thống Mỹ, chúng bao gồm các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư tư nhân và cơ sở hạ tầng của Washington ở khắp khu vực này.
Ông Pence cũng đã khẳng định rõ những biện pháp này tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hôm 17/11 vừa qua, nơi ông nhắc lại bài phát biểu của Tổng thống Trump hồi năm ngoái rằng Mỹ sẽ tìm kiếm các hiệp định thương mại song phương với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng với “các nguyên tắc thương mại công bằng và tương trợ lẫn nhau.”
Hơn nữa, Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư tư nhân cũng như phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, ông Pence nói.
Trong một phản ứng mạnh mẽ trước các hoạt động cho vay phát triển của Trung Quốc, ông Pence nhấn mạnh rằng biện pháp tiếp cận của Mỹ sẽ không “đẩy các đối tác vào biển nợ. Chúng tôi không ép buộc hay làm giảm giá trị độc lập của các nước.”
Kể từ khi Tổng thống Trump công khai các kế hoạch của Washington liên quan phát triển cơ sở hạ tầng khu vực tại Hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tháng 11/2017, Mỹ đã dần cụ thể hóa kế hoạch này.
["Gọng kìm" trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Ông Pence thông báo sẽ thiết lập Quan hệ Đối tác Thành phố Thông minh Mỹ-ASEAN nhằm tăng cường đầu tư của Mỹ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, đồng thời củng cố an ninh ở khu vực Đông Nam Á.
Mối quan hệ đối tác này được các quốc gia Đông Nam Á đón nhận một cách tích cực và là bằng chứng thêm nữa cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Trump.
Gần đây, Mỹ đã thông qua Đạo luật BUILD (tận dụng tốt hơn các khoản đầu tư cho phát triển). Đạo luật này sẽ củng cố hỗ trợ kết nối của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng việc thành lập Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế (IDFC) và cùng phối hợp với các cơ chế tài chính phát triển khác của Mỹ như Cơ quan đầu tư tư nhân ở nước ngoài, Cơ quan tín dụng phát triển và Phòng đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhỏ của USAID.
Luật này cũng cho phép IDFC “thực hiện đầu tư công bằng, tăng gấp đôi mức trần lên tới 60 tỷ USD.”
Nói chung, quan hệ đối tác này được nhìn nhận như một kết quả hữu hình khác trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington.
Hướng tới sự hợp tác Mỹ-ASEAN tốt hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng
Thời gian tới đây, rất nhiều thứ cần phải thực hiện để thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa trong phát triển cơ sở hạ tầng giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á. Ví dụ, mặc dù Quan hệ Đối tác Thành phố Thông minh Mỹ-ASEAN là rất đáng khen gợi, nhưng có điều chưa rõ là nó sẽ được thực hiện như thế nào để bổ sung cho các chương trình nghị sự của ASEAN, cụ thể là Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN (ASCN).
Được phát động tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 hồi tháng Tư vừa qua, ASCN sẽ nỗ lực đạt được sự phát triển mạnh mẽ và ổn định bằng cách sử dụng công nghệ cung cấp cho các lĩnh vực công, giải quyết các thách thức liên quan đô thị hóa và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
ASCN cũng hoan nghênh những hỗ trợ của các thành viên không thuộc ASEAN khi nó tìm kiếm “sự đảm bảo tài chính và hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài ASEAN.” Vì thế, Washington và các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á nên tìm kiếm những cách thức để cung cấp tài chính và các hình thức hỗ trợ khác nhằm đảm bảo rằng mục tiêu của ASCN sẽ được thực hiện.
Ngoài ra, Washington và ASEAN nên suy nghĩ về cách thức hợp tác để phát triển bền vững, đây sẽ là chủ đề của ASEAN vào năm sau. Thái Lan sẽ chính thức đảm nhận vai trò chủ tịch của khối này vào ngày 1/1/2019 với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự ổn định,” đặt ưu tiên phát triển bền vững ở một vài lĩnh vực từ an ninh cho tới kinh tế.
Đây sẽ là cơ hội tốt cho Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á để tiếp tục tăng cường hợp tác.
Chẳng hạn, năm 2016 Mỹ đã đưa ra sáng kiến Kết nối Mỹ-ASEAN để tăng cường sự can dự kinh tế của Mỹ với Đông Nam Á trên các lĩnh vực kinh doanh, năng lượng, sáng tạo và chính sách.
Kết nối Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các mối quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp Mỹ và Đông Nam Á trong phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin liên lạc.
[Lý do Mỹ nên tìm lại "quân cờ tiềm năng" ở Đông Nam Á]
Kết nối Năng lượng hỗ trợ ngành điện lực của ASEAN bằng những công nghệ ổn định và đổi mới.
Kết nối Sáng tạo nhằm hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái khuyến khích các doanh nghiệp và các nhà sáng tạo tương lai.
Kết nối Chính sách sẽ tìm cách giúp các nền kinh tế ASEAN nhận thức rõ về môi trường quy định cho sự phát triển, thương mại và đầu tư.
Kế hoạch này có tiềm năng phát triển hơn nữa. Do đó, các quan chức Mỹ và Đông Nam Á nên cùng nhau tìm kiếm biện pháp tạo ra những sự điều phối giữa Kết nối Mỹ-ASEAN và các chương trình phát triển bền vững của ASEAN.
Bên cạnh đó, Mỹ nên tham gia các cuộc thảo luận chính sách do Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững và đối thoại ASEAN (ACSDSD) chủ trì dự kiến được tiến hành tại Thái Lan vào năm sau.
Cơ chế này sẽ ủng hộ việc thực hiện các dự án phát triển bền vững và thúc đẩy các cuộc đối thoại trong ASEAN và các đối tác phát triển của khối này (các đối tác đối thoại của ASEAN, các tổ chức khu vực hỗ trợ ASEAN phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng, và Đức).
Tham gia thảo luận sẽ không chỉ giúp Mỹ tìm kiếm các sự điều phối thêm nữa trong các dự án của nước này và những dự án được ASEAN thực hiện, mà còn giúp Washington hiểu rõ hơn về các chương trình phát triển của các đối tác khác.
Điều này có thế giúp Washington phối hợp tốt hơn với các nước không thuộc ASEAN để tránh lãng phí nguồn lực. Những nỗ lực không được phối hợp có thể dẫn tới việc các nước khác nhau cung cấp các chương trình đào tạo năng lực với những chủ đề phát triển bền vững chồng chéo nhau.
Tóm lại, bằng việc tham gia ACSDSD, Washington, các quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia khác có thể tìm thấy những cơ hội cùng nhau thúc đẩy sự liên kết giữa các bộ phận và loại bỏ sự cạnh tranh trong các sáng kiến của các nước.
Việc tham gia vào các lĩnh vực ở trên sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ và các quốc gia khu vực. Hỗ trợ của Mỹ sẽ thúc đẩy các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia, làm tăng cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ.
Nó cũng sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Mỹ-ASEAN và nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong những lĩnh vực này. Về phần mình, các quốc gia ở Đông Nam Á cũng sẽ được lợi ích từ sự hợp tác, hỗ trợ và vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này./.