Triển vọng hợp tác vũ trụ dưới tác động của xung đột Nga-Ukraine

Một số chuyên gia đang tự hỏi liệu chiến dịch quân sự hiện tại của Nga ở Ukraine có tác động như thế nào đối với tương lai của mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực vũ trụ.
Tàu Crew Dragon mang theo bốn phi hành gia thực hiện sứ mệnh Crew-2 của NASA trở về Trái Đất ngày 8/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng CBC News (Canada) ngày 11/3, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ lâu đã trở thành biểu tượng của hòa bình và hợp tác giữa 15 nước. Tuy nhiên, trong 21 năm hoạt động, ISS đã trải qua nhiều sóng gió địa chính trị.

Một số chuyên gia đang tự hỏi liệu chiến dịch quân sự hiện tại của Nga ở Ukraine có tác động như thế nào đối với tương lai của mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực vũ trụ.

Lời đe dọa của người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga

Ngay từ thời điểm Nga tấn công Ukraine hôm 24/2, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin đã đăng tải dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter, trong đó dọa rằng nếu không có sự hợp tác giữa Nga và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), thì ISS sẽ rơi xuống Mỹ, châu Âu, Ấn Độ hay Trung Quốc.

Ông Rogozin cho rằng nếu (Mỹ) không hợp tác với Nga, thì ai sẽ cứu ISS trong việc tháo dỡ các vệ tinh và thiết bị đã mất kiểm soát và có thể rơi xuống Mỹ hoặc châu Âu. Ngoài ra, tồn tại nguy cơ cấu trúc trang thiết bị vũ trụ trọng lượng khoảng 500 tấn rơi xuống Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là lời đe dọa suông.

[Chuyên gia Nga cảnh báo về hậu quả các lệnh trừng phạt của phương Tây]

Bà Jessica West, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Viện nghiên cứu hòa bình Project Plowshares thuộc Đại học Waterloo (Canada), cho rằng khả năng ISS bất ngờ rơi xuống châu Âu là khó xảy ra. Tuy nhiên, lời đe dọa của ông Rogozin có thể là một đòn giáng về mặt ngoại giao trong lĩnh vực hợp tác vũ trụ.

ISS là tổ hợp của 16 môđun riêng biệt với sự hợp tác của Mỹ, Nga, Nhật Bản, trong đó có cả sự hợp tác của Canada với một cánh tay robot của cơ quan vũ trụ nước này dài 16m. Kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, Roscosmos cũng đã đưa ra những quyết định khác gây chấn động cộng đồng vũ trụ quốc tế.

Công ty vệ tinh OneWeb có trụ sở tại Anh đã buộc phải hủy bỏ việc phóng 36 vệ tinh sau khi ông Rogozin yêu cầu phía Anh bán cổ phần trong công ty và đảm bảo rằng không có vệ tinh nào sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự, vì những vệ tinh nói trên dự kiến được phóng từ tên lửa đẩy Soyuz của Nga.

Cùng với việc hủy bỏ phóng vệ tinh, OneWeb sẽ không thể lấy lại các vệ tinh và tiền của họ từ phía Nga.

Nga cũng đã rút khỏi các kế hoạch phóng vệ tinh ở Kourou (Guiana thuộc Pháp), cũng như thông báo sẽ không bán động cơ RD-181 cho Northrop Grumman của Mỹ để lắp ráp cho tên lửa Antares của tập đoàn công nghệ hàng không và quốc phòng toàn cầu này của Mỹ.

Ông Rogozin đã phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng với tình hình hiện nay, Moskva không thể cung cấp cho Mỹ những động cơ tên lửa tốt nhất thế giới của Nga.

Ngoài ra, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết sứ mệnh ExoMars 2022 (hợp tác cùng với Roscosmos) sẽ khó có thể được triển khai, do Moskva đang hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu thiệt hại khi tất cả những mối quan hệ hợp tác đổ vỡ?

Bà Marcia Smith - người sáng lập và biên tập viên của trang mạng SpacePolicyOnline - cho rằng Nga sẽ chịu thiệt hại về kinh tế. Ngay cả khi chiến dịch quân sự kết thúc sớm, khó có khả năng khách hàng của Nga sẽ quay trở lại hợp tác vì Moskva đã đánh mất lòng tin của khách hàng và đối tác.

Thay vì tập trung vào chương trình vũ trụ phục vụ thương mại, Nga hiện đang muốn tập trung nhiều hơn vào các hoạt động vũ trụ phục vụ mục đích quân sự.

Bà Victoria Samson - Giám đốc văn phòng tại Washington của Cơ quan hợp tác mang tên Secure World Foundation chuyên thúc đẩy những hoạt động vũ trụ bảo đảm an ninh và hòa bình - cho rằng Nga đang gặp vấn đề với chương trình vũ trụ phục vụ mục đích dân sự của họ với những quan ngại về tham nhũng và kiểm soát chất lượng.

Một tương lai không chắc chắn

Hồi tháng 11/2021, Roscosmos đã tiến hành một cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh, bắn tên lửa từ phía Bắc nước Nga và tiêu hủy vệ tinh COSMOS từ thời Liên Xô của chính họ ở độ cao khoảng 480km, tạo ra một phạm vi rộng với 1.500 mảnh vỡ đủ lớn để theo dõi.

Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ cho rằng những mảnh vỡ này có thể sẽ tạo ra hàng trăm nghìn mảnh vỡ nhỏ hơn, gây nguy hiểm cho các phi hành gia và con người trên Trái Đất.

Thời gian tới, nhiều khả năng sẽ không có sự hợp tác nào giữa Mỹ và Nga trong các sứ mệnh Artemis quay trở lại Mặt Trăng. Tuy nhiên, đã xuất hiện những đồn đoán về việc Nga hợp tác với Trung Quốc, nước đã có một chương trình vũ trụ tương đối mạnh của riêng họ.

Một khi ISS ngừng hoạt động, có khả năng vào năm 2030, Nga sẽ không còn kiểm soát trạm vũ trụ nào.

Trong khi đó, Mỹ đang có kế hoạch của riêng mình để triển khai dự án thám hiểm không gian vũ trụ mang tên Lunar Gateway (Cổng Mặt Trăng) ở gần Mặt Trăng, và có thể triển khai một trạm vũ trụ thương mại khác có quy mô nhỏ hơn nhiều ở gần quỹ đạo Trái Đất.

Nga hiện không có kế hoạch nào như vậy và nhiều khả năng sẽ tìm kiếm một thỏa thuận nào đó với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục