Triển vọng quan hệ Mỹ-Iran: Chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm

Cả Washington và Tehran cần thực hiện các bước đi rõ ràng để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, song hai bên vẫn đang bất đồng về trình tự thực hiện các bước đi cũng như việc nhượng bộ lẫn nhau.
Bên trong 1 cơ sở hạt nhân của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, chỉ 6 tuần sau khi nhận nhiệm sở, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng vũ lực tại Trung Đông. Cụ thể, tại Syria, quân đội Mỹ đã thả 7 quả bom xuống các tòa nhà của lực lượng phiến quân Shi'ite thân Iran.

Lực lượng này được cho là đứng sau một vụ tấn công gần đây nhằm vào căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh bên ngoài Erbil, thủ phủ của người Kurd. Cuộc tấn công này đã được tính toán cẩn thận.

Ông Biden đã lựa chọn phương án ít hiếu chiến nhất trong số các phương án được đệ trình. Mục tiêu của hành động quân sự lần này là gây thiệt hại cho nhóm phiến quân tương xứng với thiệt hại mà nhóm này đã gây ra cho quân đội Mỹ.

Trong 3 năm qua, các tay súng người Shi'ite đã phóng nhiều tên lửa vào khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, gây nhiều thiệt hại về tài sản nhưng không gây nhiều thương vong.

Vụ tấn công ở Erbil hồi tháng 2/2021 đã làm một nhà thầu (không phải công dân Mỹ) thiệt mạng và một số người khác bị thương. Đây dường như là sự tiếp diễn của các hành động bạo lực của nhóm phiến quân này.

Đáp lại, Washington đã có hành động quân sự nhằm vào các tòa nhà mà phiến quân Shi'ite sử dụng để thực hiện các chiến dịch tại Iraq. Quân đội Mỹ khẳng định các đợt ném bom chỉ mang tính phòng thủ nhằm bảo vệ nhân sự của Mỹ và đồng minh, và của “các đối tác Iraq.”

[Iran hối thúc Mỹ nắm bắt thời cơ giải quyết các vấn đề song phương]

Hành động đáp trả quân sự của Chính quyền Tổng thống Biden hoàn toàn khác với cách tiếp cận trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump. Dưới thời cựu Tổng thống Trump, khi những đợt tấn công của phiến quân diễn ra, ông Trump chỉ “trách mắng” và “dọa nạt” Chính phủ Iraq, đồng thời đe dọa sẽ đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad năm 2020 nếu lực lượng an ninh Iraq không thể bảo vệ công dân Mỹ tại đây.

Tổng thống Biden đã phát đi một thông điệp hoàn toàn khác, rằng sự hiện diện của Mỹ tại Iraq là vì mục tiêu chung chống chủ nghĩa khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và của các lực lượng cực đoan khác, đồng thời tăng cường khả năng cũng như sự ổn định của quốc gia Trung Đông này.

Việc (Mỹ) lựa chọn các cơ sở tại Syria làm mục tiêu trả đũa cho vụ tấn công Erbil có thể sẽ vấp phải chỉ trích của quốc tế. Khu vực bị ném bom nằm rất gần biên giới Iraq, phía Tây Nam của Erbil, song các đợt ném bom này có thể bị xem như một hành động tấn công nhằm vào Syria, quốc gia không gây ra vụ tấn công ở Erbil.

Nga, đối tác an ninh chính của Syria, đã tỏ ra bất bình về cuộc tấn công của quân đội Mỹ. Moskva chỉ trích Washington vì phía Mỹ chỉ đưa ra thông báo trước khi điều máy bay chiến đấu tới khu vực thuộc Syria được Nga giúp đỡ kiểm soát có 1 giờ đồng hồ.

Hơn nữa, giới chức Mỹ từng khẳng định Iraq sẽ tiến hành điều tra để xác định kẻ đứng sau vụ tấn công Erbil, song Washington tin rằng bản thân có đủ thông tin tình báo để lựa chọn mục tiêu và tiến hành các đợt ném bom.

Trên thực tế, lực lượng tuyên bố đứng sau vụ tấn công Erbil là Awliya al-Dam, một phân nhánh của nhóm phiến quân Shi'ite Kataib Hezbollah.

Một số nhà bình luận đặt ra câu hỏi: Liệu chuỗi các sự kiện này có làm cản trở mối quan hệ vừa mới được thiết lập giữa ông Biden và Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran hay không?

Họ lo ngại rằng căng thẳng leo thang giữa Washington và các lực lượng ủy nhiệm của Iran sẽ làm suy yếu hoặc ít nhất là làm chậm các nỗ lực ngoại giao nhằm đưa 2 nước trở lại thỏa thuận hạt nhân.

Cả Washington và Tehran cần thực hiện các bước đi rõ ràng để khôi phục thỏa thuận, song hai bên vẫn đang bất đồng về trình tự thực hiện các bước đi cũng như việc nhượng bộ lẫn nhau.

Nếu Iran muốn phát tín hiệu tới Washington, nhà nước Cộng hòa Hồi giáo có thể kiềm chế các tay súng hoặc tiến hành các bước đi nhằm từ bỏ vai trò của mình trong các hoạt động chống Mỹ kể trên.

Ở một góc độ nào đó, Iran có thể không kiểm soát hoàn toàn được các tay súng Shi'ite. Mặc dù các nhóm phiến quân này nhận được hỗ trợ tài chính, chính trị và quân sự từ Iran, song chúng lại hoạt động ở Iraq. Các lãnh đạo chính trị Iraq trước đây từng sử dụng những lực lượng này trong tranh chấp quyền lực, và điều đó không hẳn nằm trong kế hoạch của Tehran. 

Trong một số trường hợp, Mỹ và Iran đã tìm được tiếng nói chung trong việc hỗ trợ Iraq. Washington và Tehran từng cùng nhau đẩy lùi sự chiếm đóng của IS tại Mosul và giải phóng nhiều vùng lãnh thổ khác ở miền Bắc Iraq.

Đôi khi, 2 nước cùng ủng hộ một ứng cử viên tại các cuộc đàm phán thành lập chính phủ hậu bầu cử tại Iraq. Tuy nhiên, triển vọng cho mối quan hệ Mỹ-Iran vẫn không mấy lạc quan. Iran đã thể hiện sự tức giận đối với ông Biden. Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo cũng sẽ có cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới.

Những gì ông Trump đã làm và chu kỳ biến động thất thường trong chính sách của Mỹ đã khiến Iran hoài nghi hơn khi làm việc với Washington. Và Iran vẫn chưa "báo thù" được cho Tướng Qasem Soleimani sau khi ông bị ám sát trên lãnh thổ Iraq hồi tháng 1/2020. Chính vì vậy, hoạt động của các tay súng Shi'ite tại Iraq vẫn có giá trị đáng kể đối với Iran trong cuộc chiến không cân sức hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục