Triển vọng sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam-Israel

Mục đích của sự kiện là nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường Israel, đồng thời kết nối doanh doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin. (Nguồn: VGP News)

Thực hiện Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2020, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng sang thị trường Israel, ngày 23/11, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương Việt Nam), Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020.

Theo sáng kiến của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, mục đích của sự kiện là nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực: nông sản, thực phẩm, giày dép, dệt may, hàng tiêu dùng các loại... tới thị trường Israel, đồng thời kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ tiềm năng ở thị trường Israel trên môi trường trực tuyến, trong điều kiện các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài nói chung và thị trường Israel nói riêng vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tham dự hội nghị, tại đầu cầu Israel có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel Lê Thái Hòa, ông Ze’ev Lavie - Trưởng ban Quan hệ quốc tế và Phát triển kinh doanh - đại diện Lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC), đại diện các cơ quan và tổ chức có liên quan phía Israel; tại đầu cầu Việt Nam có Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam Cao Bá Đăng Khoa và Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Nam Hải.

[Doanh nghiệp Israel coi Việt Nam là nguồn cung ổn định tại châu Á]

Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có trên 60 đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, báo chí hai nước; hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông sản (gạo, hạt tiêu, cơm dừa, nấm, gừng), thực phẩm (thủy hải sản, gia vị, các loại hạt và trái cây sấy khô, bánh kẹo), giày dép, quần áo, thiết bị vật tư găng tay y tế..., trong đó có trên 20 nhà nhập khẩu hàng đầu của Israel gồm các công ty nhập khẩu đầu mối và chuỗi siêu thị bán lẻ hàng hóa tại Israel.

Hội nghị bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương riêng, kết nối trực tuyến 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam với từng nhà nhập khẩu tiềm năng Israel theo phân nhóm mặt hàng. Tại Phiên toàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp tham dự cùng tìm hiểu về triển vọng hợp tác kinh doanh sản phẩm tiêu dùng Việt Nam tại thị trường Israel, thế mạnh các ngành xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam, đặc biệt là hồ tiêu và các sản phẩm từ dừa – là hai trong nhiều nhóm mặt hàng của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu Israel đang quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ze’ev đại diện FICC đánh giá cao sáng kiến của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel về việc đặt vấn đề tổ chức sự kiện kết nối giao thương trực tuyến; giới thiệu tóm tắt về thị trường và doanh nghiệp Israel có sức mua, khả năng thanh toán cao; cho biết các doanh nghiệp nhập khẩu Israel đang quan tâm tới thị trường Việt Nam và coi Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ, logistics ổn định ở châu Á cho Israel.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành tại nhiều nước trên thế giới, việc tổ chức sự kiện là hoạt động quan trọng nhằm giúp cho các nhà nhập khẩu Israel có điều kiện tiếp cận và gặp gỡ trao đổi trực tuyến với các nhà cung cấp Việt Nam về các nhóm hàng nông sản, lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng là những mặt mà phía Israel đang có nhu cầu nhập khẩu lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng đã có bài phát biểu giới thiệu các thông tin về việc Việt Nam phòng chống thành công đại dịch COVID-19, tổng quan về hoạt động kinh tế và thương mại của Việt Nam, tình hình hội nhập kinh tế quốc tế mới nhất của Việt Nam, môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt  Nam và triển vọng kết thúc sớm đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú có bài trình bày về thế mạnh của ngành hàng tiêu dùng xuất khẩu của Việt Nam.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel Lê Thái Hòa đã có bài trình bày tóm tắt về quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, thực trạng và triển vọng trao đổi thương mại Việt Nam – Israel, năng lực sản xuất và thế mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, các cơ hội về trao đổi hợp tác thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới. Đại diện các hiệp hội ngành hàng cơm dừa và ngành hàng hạt tiêu phía Việt Nam cũng có bài giới thiệu về ngành nghề của mình. Sau phiên toàn thể, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được bố trí thu xếp tiến hành giao thương trực tuyến và trực tiếp trao đổi với các nhà nhập khẩu Israel theo từng ngành hàng chuyên biệt.

Mặc dù quy mô dân số chỉ khoảng 9,3 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, nhưng Israel đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ). Trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel, mặt hàng của hai nước thường không cạnh tranh mà bổ sung cho thị trường của nhau.

Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu lớn cũng chính là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Israel làm ăn khá nghiêm túc và có khả năng thanh toán cao. Israel chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng nông sản, giày dép, may mặc, điện thoại di động, cà phê, hạt điều, tôm đông lạnh, cá ngừ, mực đông lạnh… từ Việt Nam. Hàng năm, Israel nhập khẩu từ Việt Nam các loại hàng hóa với trị giá khoảng trên dưới 800 triệu USD.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn từ đầu năm nay, do tình trạng chung ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tổ chức sự kiện nói trên có hiệu quả thiết thực hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm bạn hàng nhập khẩu. Nếu tiếp tục giữ đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Israel như hiện tại và không có thêm những diễn biến bất lợi, dự báo xuất khẩu cả năm 2020 sang Israel có thể vẫn đạt trên 700 triệu USD, cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước có khả năng cân bằng.

Thương vụ Việt Nam tại Israel cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp Israel quan tâm mặt hàng cá tra phi-lê, thực phẩm đóng hộp, nông sản các loại, hàng dệt may và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng này trong thời gian tới. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp Israel đang quan tâm, giao dịch, ký kết một số đơn hàng nhập khẩu các mặt hàng như găng tay y tế, quần áo bảo hộ y tế... với các doanh nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020 với sự tham gia của đông đảo các công ty nhập khẩu Israel và các doanh nghiệp Việt Nam là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trực tiếp trao đổi với các bạn hàng Israel, nhằm phát hiện ra nhu cầu cụ thể của nhau và qua đó góp phần đẩy mạnh xuất khẩu sang Israel, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020 đã kết thúc thành công, các doanh nghiệp hai bên đánh giá hiệu quả của sự kiện này cũng như việc hỗ trợ kết nối giữa người mua và người bán với nhau. Kết thúc hội nghị, theo yêu cầu của một số doanh nghiệp Việt Nam và Israel, Ban Tổ chức sẽ sớm thu xếp thêm từ 1-2 buổi giao thương trong một vài ngày sắp tới để hai bên tiếp tục có thêm thời gian và điều kiện trao đổi cụ thể về các vấn đề hợp tác cùng quan tâm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam và Israel đề nghị cần tiếp tục tổ chức những sự kiện tương tự trong thời gian tới để các doanh nghiệp hai nước có điều kiện mở rộng thêm các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục