Triển vọng về việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định CPTPP

Theo AFR, nhiều nước trong CPTPP đã hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế nhưng sức nặng kinh tế của nước này lại hấp dẫn, phá tan những nghi ngại này.
Cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Australia Financial Review, ABC, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Liên quan tới vấn đề này, các tờ báo Australia Financial Review (AFR) và ABC của Australia đã đăng tải bài viết, phân tích về khả năng liệu Trung Quốc có thể thành công gia nhập CPTPP hay không.

Tờ AFR trích dẫn thông tin của hãng Bloomberg cho biết, ngày 16/9, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào gửi đơn xin gia nhập CPTPP cho New Zealand, đồng thời có cuộc điện đàm trực tiếp với Bộ trưởng Thương mại của nước này là Damien O’Connor, do New Zealand hiện là quốc gia lưu chiểu các văn bản của thỏa thuận.

Ngay sau thông báo của Trung Quốc, Washington đã công khai lên tiếng yêu cầu các quốc gia thành viên CPTPP cần xem xét cẩn trọng đơn xin gia nhập của Trung Quốc, viện dẫn sự mâu thuẫn rõ ràng giữa thương mại tiêu chuẩn cao và các quy tắc tiếp cận thị trường của CPTPP với những hành động thiếu minh bạch của cường quốc châu Á.

Tuy nhiên, không có một dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống đương nhiệm Joe Biden mong muốn đưa Mỹ quay trở lại với hiệp định này, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump trực tiếp rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận tiền nhiệm của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sự hồi sinh của CPTPP

Ban đầu có 12 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham gia đàm phán Hiệp định TPP. Đây là thỏa thuận được Mỹ thúc đẩy, với kỳ vọng đó sẽ là một khối kinh tế mạnh mẽ và thống nhất, để đối trọng với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Năm 2016, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama đã nói rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, nên là quốc gia định hình các quy tắc thương mại trong khu vực. Tuy nhiên, đến năm 2017, người tiền nhiệm của ông Obama, Tổng thống Trump đã dứt khoát rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, chỉ vài tháng sau khi chính thức lên nắm quyền.

Để tránh TPP rơi vào nguy cơ sụp đổ vĩnh viễn, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tiên phong dẫn đầu 11 quốc gia còn lại, tham gia vào một hiệp ước sửa đổi thay thế và đổi tên thành CPTPP.

[Triển vọng mở ra cánh cửa cho Trung Quốc tham gia CPTPP]

Dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Nhật Bản và sự tham gia tích cực của Australia, CPTPP đã thành công ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Chile và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do quan trọng, với sự tham gia của các quốc gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này ràng buộc các thành viên, đại diện cho khoảng 13,5% thương mại hàng hóa toàn cầu, với 30 chương nội dung, giúp cho việc tiếp cận đầu tư và thương mại tự do hơn.

Được nâng cấp hơn so với các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác, CPTPP vẫn còn biên độ để mở rộng.

Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia thứ hai xin gia nhập CPTPP, sau khi Anh đã đệ trình đơn đơn ký gia nhập thành viên vào đầu năm nay.

Việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2020, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công khai thể hiện sự quan tâm tới hiệp định này và các quan chức Trung Quốc đã dành nhiều tháng thảo luận bên lề với các thành viên của hiệp định.

Theo chuyên gia Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu tại Brussels, đó là một tính toán hoàn toàn hợp lý của giới lãnh đạo Trung Quốc. Giáo sư Lee-Makiyama nói: “Nhìn vào cách thức mà thị trường Trung Quốc đang thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, rõ ràng nước này là ứng cử viên mạnh. Hay đúng hơn, khả năng Trung Quốc bị từ chối gia nhập CPTPP sẽ rất thấp.”

Căng thẳng thương mại Trung Quốc-Australia

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán để gia nhập CPTPP của Trung Quốc sẽ không hề đơn giản, nhất là khi một thành viên cốt cán của hiệp định này là Australia đang có những tranh chấp về kinh tế và thương mại cùng Trung Quốc.

Báo điện tử của kênh ABC viết trong vài năm gần đây, Bắc Kinh liên tiếp áp thuế quan, ngăn chặn hàng tỷ đô la xuất khẩu của Australia. Bất chấp các căng thẳng gia tăng, vào tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Australia đã công khai vận động Canberra ủng hộ nước này tham gia vào CPTPP, thông qua việc viết thư gửi tới một cuộc điều tra của Quốc hội Australia, lập luận rằng "việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ mang lại những lợi ích kinh tế lớn.”

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Gần 1/2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Australia có liên quan tới Trung Quốc. Vào thời điểm Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, Australia thậm chí là quốc gia tiên phong thể hiện mong muốn "khuyến khích Trung Quốc tham gia" để "cứu TPP."

Nhưng tình thế đang thay đổi, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi Australia vừa ký kết hiệp ước quốc phòng AUKUS với Mỹ và Anh, bao gồm việc Mỹ sẽ cung cấp cho Australia công nghệ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hiệp ước này khẳng định mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Australia và cường quốc mạnh nhất thế giới, vốn đang đối đầu gay gắt với Trung Quốc trên nhiều khía cạnh.

Trong một tuyên bố chung mới đây nhất, Australia và Mỹ cho biết hai nước đã cam kết làm việc cùng nhau để “phản đối việc sử dụng cưỡng chế các biện pháp kinh tế và thương mại, làm suy yếu thương mại dựa trên quy tắc.”

Nhiều bất đồng khác

Bài viết đăng tải trên tờ AFR nhận định sẽ có sự phản kháng chính trị đối với việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, do nhiều nước hoài nghi về việc liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có sẵn sàng tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế hay không và những lo ngại an ninh khu vực ngày càng gia tăng. Nhưng không thể phủ nhận rằng sức nặng kinh tế của Trung Quốc có thể hấp dẫn nhiều thành viên trong CPTPP.

Canada cũng đang có “khúc mắc” với Trung Quốc, liên quan tới một công dân Canada bị bỏ tù 11 năm và một công dân khác vẫn đang chờ tuyên án. Động thái của Trung Quốc được coi là để trả đũa vụ Canada bắt giữ con gái của nhà sáng lập công ty công nghệ Huawei theo lệnh của Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh Trung Quốc cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của khối để có thể gia nhập. Nhật Bản, giống như nhiều thành viên khác của CPTPP, muốn Mỹ tái gia nhập quan hệ đối tác, để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Liệu Trung Quốc có đáp ứng được các quy tắc thương mại của CPTPP?

Các nhà phân tích cho rằng động thái xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc sẽ tạo ra căng thẳng trong khối và vấp phải sự phản đối gay gắt trên nhiều khía cạnh, nổi cộm nhất là các điều khoản liên quan đến hành vi của doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tờ AFR dẫn thông tin của hãng Bloomberg cho biết một cựu quan chức thương mại của Mỹ nhận định tư cách thành viên của Trung Quốc trong khối không được đảm bảo, do chế độ thương mại và các chỉ dẫn đi theo hướng kiểm soát tập trung nhiều hơn đối với nền kinh tế nội địa.

David Henig, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu có trụ sở ở London, nói Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi đáp ứng một số tiêu chí của thỏa thuận, bao gồm các nghĩa vụ xung quanh hành vi của các doanh nghiệp nhà nước.

Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á và là cựu Phó đại diện Thương mại Mỹ, Wendy Cutler, chia sẻ: “Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để có thể thấy Trung Quốc chấp nhận các quy tắc của CPTPP trong việc điều chỉnh các doanh nghiệp nhà nước, lao động, thương mại điện tử, luồng chảy dữ liệu tự do, cũng như các cam kết tiếp cận thị trường toàn diện khác.”

Nhưng một chuyên gia khác lại tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ thành công trong công tác điều chỉnh các quy tắc thương mại tự do. Phó Giáo sư khoa Luật tại Đại học Quản lý Singapore, chuyên gia về luật Trung Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Henry Gao, nói: “Về lâu dài, Trung Quốc sẽ có thể tìm ra cách giải quyết một số khác biệt, đặc biệt là khi các quốc gia thành viên CPTPP nhận thức được rằng Trung Quốc sẽ là một thị trường lớn nhất đối với họ và Mỹ sẽ không sớm quay trở lại với hiệp định.”

Nhưng tiến trình đó sẽ không sớm xảy ra vì quá trình gia nhập có thể sẽ kéo dài trong một vài năm.

Các cuộc đàm phán thương mại đa phương thường kéo dài nhiều năm. Vào tháng 8/2021, cựu Bộ trưởng Thương mại Anh, Liz Truss, tiết lộ Anh đang tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán, để có thể ra nhập CPTPP vào cuối năm 2022.

Về phía Mỹ, hiện Washington chưa công bố bất kỳ chính sách thương mại cụ thể nào dành cho khu vực, mặc dù có báo cáo chỉ ra rằng nước này đang thảo luận về một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số, bao gồm sự tham gia của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

CPTPP đứng thứ ba trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, sau Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trị giá 26.000 tỷ USD và Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (Mỹ-Mexico-Canada) trị giá 21.100 tỷ USD. Việc để Trung Quốc tham gia vào CPTPP sẽ biến thỏa thuận này trở thành hiệp định thương mại tự do có giá trị lớn nhất toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục