Theo trang mạng essra.org.cn, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) luôn là dịp để các nước thể hiện quan điểm của họ. Tuy nhiên, diễn đàn năm nay bỗng nhiên có một sự trùng hợp kỳ diệu.
Phát biểu trong buổi đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp của APEC, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết năm tới sẽ đảm nhận Chủ tịch luân phiên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở rộng quy mô của hiệp định này.
Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Suga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo không chính thức rằng ông sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP.
Đây có vẻ như ông Suga đã "chuyền bóng" cho ông Tập Cận Bình "ghi bàn". Tuy nhiên, rõ ràng không phải như vậy, thái độ của Nhật Bản luôn không rõ ràng đối với việc liệu Trung Quốc có tham gia CPTPP hay không.
Vì vậy, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã phát biểu rằng cần phải xem liệu Trung Quốc đã chuẩn bị tốt các điều kiện tự do hóa ở trình độ cao mà khu vực thương mại tự do này yêu cầu hay không. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn chưa đủ tiêu chuẩn.
Trước đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán khó khăn. Việc ký kết hiệp định này chắc chắn sẽ là động lực tốt trong bối cảnh nỗi lo tiềm ẩn về sự bất ổn kinh tế cao do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, thái độ của Nhật Bản thực chất lại không phải là vấn đề mà vấn đề nằm ở Mỹ. CPTPP là hiệp định thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Mục đích của TPP là hình thành liên minh kinh tế để đối trọng lại Trung Quốc bao gồm các nước Nhật Bản, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand cộng thêm các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam.
Hiệp định này là sản phẩm của địa chính trị. Chỉ có điều Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có khuynh hướng chủ nghĩa cô lập, lên cầm quyền đã phá hỏng mục đích đó.
[Học giả Campuchia: RCEP mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế toàn cầu]
Tất nhiên, việc ông Joe Biden đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay có nghĩa là đường lối bao vây năm đó có thể được hồi sinh. Cách nói "bằng mặt nhưng không bằng lòng" của Nhật Bản là để giữ không gian cho Mỹ thành lập lại một mặt trận thống nhất.
Tuy nhiên, RCEP đã được ký kết và các quốc gia liên quan của ASEAN đều nhận thức rõ rằng động lực và triển vọng kinh tế của nó chắc chắn sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc chứ không phải là Mỹ. Do đó, liên minh chống Trung Quốc dựa vào TPP có lẽ đã "một đi không trở lại."
Sự ra đời của RCEP đồng nghĩa với việc Trung Quốc và các nước láng giềng là một vòng tròn kinh tế cộng sinh cùng phát triển. Sự phát triển của Trung Quốc chính là sự phát triển của ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và ngược lại.
Đối với các nước xung quanh Trung Quốc, đối đầu với Bắc Kinh là tự gây tổn hại cho chính mình. Đây là quy luật tự nhiên của kinh tế thương mại. Tất cả các chuỗi cung ứng và thương mại đều có liên quan đến các nước láng giềng.
Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ-Canada-Mexico luôn lớn hơn thương mại với các nước châu Âu, châu Á và nội bộ Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy.
RCEP không phải là một tập hợp lớn của sự kết hợp miễn cưỡng mà là điều tất yếu logic dưới sự thúc đẩy của lợi ích. Sau khi ASEAN nhận thức được điều đó, liên minh chống Trung Quốc mà TPP muốn hình thành sẽ rất khó để hình thành hoặc liên kết được.
Có lẽ sau khi đưa ra nhận định như vậy, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tích cực xem xét việc gia nhập CPTPP và mục tiêu cuối cùng vẫn là hình thành một Khu vực Tự do Thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) rộng lớn hơn, mở rộng mối liên kết chặt chẽ từ châu Á sang nhiều quốc gia châu Mỹ và châu Đại Dương, trong đó có cả Mỹ.
Bước thứ nhất là gia nhập CPTPP nhằm hóa giải sự đối kháng của CPTPP, cộng thêm với Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Trung-Nhật-Hàn, mục đích cụ thể là đưa Nhật Bản thực sự trở thành thành viên của hệ thống châu Á mà Trung Quốc là đóng vai trò chủ đạo, xóa bỏ sự phục tùng Mỹ của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Nếu Mỹ cũng tìm cách tham gia CPTPP, Trung Quốc và Mỹ đều là thành viên của hiệp định này.
Bước thứ hai là việc hình thành FTAAP cũng sẽ là điều tất nhiên. Nếu Mỹ không tham gia CPTPP, FTAAP vẫn là bước thứ hai.
Đây là một kế hoạch rất xa của ông Tập Cận Bình và êkíp của ông, mục đích là để thoát khỏi cuộc chiến bắt buộc phải có giữa Mỹ và Trung Quốc dựa trên "bẫy Thucydides" để Mỹ và Trung Quốc có thể tránh được trận chiến sinh tử, đạt được sự sắp xếp trật tự thế giới mới hoặc mối quan hệ khung hợp tác ở tầm mức chiến lược.
Con đường này chắc chắn sẽ đầy gian nan bởi lẽ tâm lý của Nhật Bản vẫn hướng về Mỹ, và cảm xúc khó chịu của người dân nước này đối với Trung Quốc đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cuối cùng lợi ích kinh tế đã lôi kéo Nhật Bản tham gia RCEP. Xét về lý, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP không phải là điều không tưởng.
Tuy nhiên, việc Mỹ và Trung Quốc tiến tới hòa giải còn khó hơn nhiều. Mỹ chưa từng thất bại kể từ khi trở thành bá chủ toàn cầu nên họ có thể làm tùy tiện. Trong tương lai, Đài Loan vẫn sẽ là biến số lớn nhất của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Chủ nghĩa ly khai của Đài Loan là sự hấp dẫn lớn nhất để Mỹ sử dụng như một quân bài thương lượng chống lại Trung Quốc và các hành động khiêu khích được khơi dậy từ chủ nghĩa dân tộc thường mang lại hiệu quả to lớn.
"Bẫy Thucydides" ["Bẫy Thucydides" là một khái niệm mang hàm nghĩa rằng, chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ -PV] sẽ dẫn đến cuộc chiến quyết tử của hai cường quốc Mỹ-Trung và nhân loại có thể sẽ phải chịu một thảm họa vô cớ./.