Triều Tiên chưa đề nghị đàm phán về tài sản của Hàn Quốc ở núi Kumgang

Phát biểu với phóng viên, quan chức trên nêu rõ: "Liên quan tới núi Kumgang, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị hay sự hồi đáp thêm nào từ Triều Tiên."
Triều Tiên chưa đề nghị đàm phán về tài sản của Hàn Quốc ở núi Kumgang ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thị sát khu du lịch núi Kumgang ở bờ biển phía Đông nước này ngày 23/10. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Yonhap dẫn nguồn một quan chức giấu tên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 24/10 cho biết, Triều Tiên vẫn chưa chính thức đề nghị Hàn Quốc đàm phán về quyết định của Bình Nhưỡng dỡ bỏ các cơ sở do Seoul xây dựng tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang.

Phát biểu với phóng viên, quan chức trên nêu rõ: "Liên quan tới núi Kumgang, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị hay sự hồi đáp thêm nào từ Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan và đưa ra những chuẩn bị thiết thực."

Hôm 23/10, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh dỡ bỏ toàn bộ các tòa nhà thông qua một "thỏa thuận với đơn vị liên quan của phía Hàn Quốc."

Khi được hỏi liệu "đơn vị liên quan" có phải là Chính phủ Hàn Quốc hay các công ty liên quan tới cơ sở trên núi, quan chức Bộ Thống nhất cho hay Bình Nhưỡng lẽ ra nên nói rằng Chính phủ Hàn Quốc là đối tác trong các cuộc thảo luận liên quan.

[Triều Tiên sẽ dỡ bỏ hạ tầng du lịch do Hàn Quốc xây dựng ở núi Kumgang]

Khởi động vào năm 1998 trong bối cảnh quan hệ liên Triều tan băng, chương trình tour du lịch tới núi Kumgang từng được coi là một dự án hợp tác liên Triều lớn. Tuy nhiên, dự án đã bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một nữ du khách bị cảnh vệ Triều Tiên bắn chết.

Triều Tiên chưa đề nghị đàm phán về tài sản của Hàn Quốc ở núi Kumgang ảnh 2Khu du lịch núi Kumgang ở bờ biển phía Đông Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí nối lại chương trình tour du lịch tại núi Kumgang ngay khi hội tụ đủ điều kiện.

Hàn Quốc đã đầu tư nhiều tiền để khởi động tour du lịch tại ngọn núi này. Đặc biệt, tập đoàn Hyundai Asan của Hàn Quốc, sở hữu giấy phép hoạt động trong 50 năm, đã đầu tư 800 tỷ won (683,18 triệu USD) vào dự án.

Các cơ sở và tòa nhà, trong đó có một sân gôn và các khách sạn, đã được Chính phủ Hàn Quốc và các công ty như Huyndai Asan xây dựng tại đó.

Bình Nhưỡng đã tịch thu và đóng băng hầu hết các cơ sở này sau khi tour bị đình chỉ, một hành động bị Seoul chỉ trích và không công nhận.

Quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Chính phủ đang tham vấn chặt chẽ với các đoàn thể liên quan, bao gồm các công ty đã đầu tư vào chương trình tour, nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với động thái của Bình Nhưỡng dỡ bỏ các tài sản của Hàn Quốc tại Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.