Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Triều Tiên dường như đã khởi động lại một lò phản ứng tại tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon - vốn được cho là nơi đã sản xuất plutoni dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này.
Giới quan sát bình luận động thái gây quan ngại sâu sắc này của Triều Tiên có thể "góp gió thành bão" đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn đang "đau đầu" xử lý cuộc khủng hoảng Afghanistan cùng hàng loạt vấn đề đối nội và đối ngoại khác.
Trong báo cáo thường niên đề ngày 27/8, IAEA cho biết có những dấu hiệu hoạt động tại lò phản ứng 5 megawatt (MW), được coi là có khả năng sản xuất plutoni cấp độ vũ khí, lần đầu tiên được phát hiện kể từ cuối năm 2018.
Báo cáo có đoạn viết về lò phản ứng tại Yongbyon, khu phức hợp hạt nhân trung tâm của chương trình hạt nhân Triều Tiên: "Kể từ đầu tháng 7/2021 đã xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy lò phản ứng đã hoạt động trở lại, trong đó có việc xả nước làm mát."
Theo các chuyên gia IAEA, lò phản ứng này dường như đã ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến đầu tháng 7/2021. Họ cũng lưu ý rằng Triều Tiên sử dụng một phòng thí nghiệm gần lò phản ứng để tách plutoni khỏi nhiên liệu đã qua sử dụng lấy ra từ lò phản ứng.
Bà Jenny Town - Giám đốc dự án 38 North có trụ sở tại Mỹ chuyên theo sát tình hình Triều Tiên - cho biết hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy lượng nước xả ra, củng cố kết luận rằng lò phản ứng đang hoạt động trở lại.
Bà nói: “Không có cách nào để biết được tại sao lò phản ứng không hoạt động trước đây mặc dù công việc đã được tiến hành trên hồ chứa nước trong năm qua để đảm bảo đủ nước cho các hệ thống làm mát.”
Năm 2020, 38 North cho biết lũ lụt vào tháng 8 có thể đã làm hư hại các nhà máy bơm liên kết với Yongbyon. Điều này cho thấy hệ thống làm mát của lò phản ứng hạt nhân dễ bị tổn thương như thế nào trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
[IAEA: Triều Tiên dường như khởi động lại lò phản ứng hạt nhân]
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Siegfried Hecker, Giáo sư tại trường Đại học Standford, cho rằng việc lò phản ứng ở Yongbyon ngừng hoạt động từ cuối năm 2018 là do vấn đề kỹ thuật có thể liên quan đến hệ thống làm mát. Ông Siegfried Hecker bình luận rằng các đòn trừng phạt dường như "không thấm vào đâu" trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
"Gây quan ngại sâu sắc"
Theo chuyên gia IAEA, động thái chưa xác định này của Triều Tiên "gây quan ngại sâu sắc" và vi phạm một cách rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Báo cáo trên "nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tiến hành đối thoại và ngoại giao."
Phản ứng về báo cáo trên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này đang liên tục theo dõi và hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề nêu trên. Hiện phái bộ Triều Tiên tại Liên hợp quốc không đưa ra bình luận gì.
Trong khi đó, đăng tải thông tin trên, tờ Wall Street Journal của Mỹ cũng trích dẫn ý kiến của các chuyên gia Mỹ cho rằng Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất plutoni là để chế tạo vũ khí hạt nhân và mở rộng kho vũ khí.
Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 tại Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018, Triều Tiên cam kết đóng cửa bãi thử tên lửa ở Tongchang-ri và tháo dỡ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon.
IAEA sau đó thông báo rằng các hoạt động tại trung tâm hạt nhân Yongbyon vẫn diễn ra, nhưng cơ quan này không thể xác nhận bản chất và mục đích của hoạt động này nếu không được tiếp cận cơ sở hạt nhân này.
Theo ông David Albright, Giám đốc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, việc có thêm plutoni có thể giúp Triều Tiên vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ hơn để gắn vừa với tên lửa đạn đạo. Ông giải thích: "Vấn đề cốt lõi ở đây là Bình Nhưỡng muốn tăng số lượng và cải thiện chất lượng của vũ khí hạt nhân."
Mặc dù không thể biết chính xác số lượng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng do những hạn chế về công tác thông tin tình báo, song chuyên gia này nhận định Triều Tiên hiện đã có khả năng chế tạo nguyên liệu để sản xuất 4-6 bom hạt nhân mỗi năm.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng song Triều Tiên đáp lại rằng nước này không "hứng thú" đàm phán khi Mỹ không thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng.
Joshua Pollack, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không Phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, bày tỏ quan ngại: "Lâu nay, không có bất kỳ thỏa thuận nào giám sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên."
Pollack cho rằng Triều Tiên muốn thu giữ được một lượng vật liệu plutoni được phân tách mới để chế tạo vũ khí, viện dẫn bài phát biểu năm 2021 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề cập đến một loạt vũ khí hiện đại mà nước này đang phát triển, bao gồm bom hạt nhân. Ông nói: "Dường như Triều Tiên chưa khi nào tử bỏ mong muốn chế tạo đầu đạn hạt nhân."
Ông Kim Jong-un "góp gió thành bão" bủa vây ông Biden"
Trước khi xuất hiện báo cáo trên, chính quyền ông Biden đã thể hiện thiện chí tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Dưới thời chính quyền tiền nhiệm Tổng thống Donald Trump, các cuộc đàm phán với quốc gia Đông Bắc Á này dường như đã đạt được một vài tín hiệu khả quan song đã bị đình trệ mà không gặt hái thêm được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào.
Báo cáo của IAEA được công bố trong bối cảnh đặc phái viên hàng đầu của Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên Noh Kyu-duk đã đến Washington cuối tuần qua để thảo luận về các biện pháp nhằm nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Noh khẳng định: "Đây là thời điểm quan trọng để tái khởi động tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên."
Trong lúc này, chính quyền ông Biden không hề "thảnh thơi" mà đang phải quay cuồng xử lý hàng loạt cuộc khủng hoảng ở trong và ngoài nước, từ đại dịch COVID-19, thiên tai, làn sóng nhập cư đến tình hình Afghanistan.
Trong vòng hai tuần qua, quân đội Mỹ đã phải khẩn cấp tiến hành các kế hoạch di tản hàng chục nghìn quân nhân Mỹ, lực lượng đồng minh và người tị nạn Afghanistan sau khi Taliban nhanh chóng kiểm soát toàn bộ quốc gia Nam Á.
Trong khi đó, Mỹ đã phải hứng chịu tổn thất ngay trong giai đoạn sơ tán này với 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng sau vụ tấn công sân bay Kabul mà nhóm vũ trang cực đoan Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K hay ISIS-K) hoạt động mạnh tại Afghanistan, đã gây ra hôm 26/8.
Chính quyền ông Biden cũng đang vật lộn với đại dịch COVID-19 với số ca lây nhiễm mới tiếp tục gia tăng do biến thể Delta. Hệ thống y tế Mỹ hiện đang phải gồng mình khi thiếu số giường bệnh, đặc biệt là giường cho bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc tích cực.
Mặc dù 74% người lớn ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine song đa phần ca lây nhiễm mới là những người chưa được tiêm chủng.
Ngoài "bão" Afghanistan và COVID-19, chính quyền ông Biden cũng đang phải bận tâm xử lý những hệ quả do cơn bão Ida gây sạt lở đất ở bang Louisiana hôm 29/8 vừa qua.
Trước đó, ngày 27/8, Tổng thống Biden đã phải áp đặt tình trạng khẩn cấp đối với bang này nhằm chuẩn bị ứng phó trước những hậu quả do bão gây ra. Đó là chưa kể đến "cơn bão" di cư vẫn đang ập vào chính quyền Washington với lượng người vượt biên vào Mỹ từ khu vực biên giới với Mexico lên đến con số kỷ lục.
Tờ Newsweek cho rằng những thông tin về hoạt động của lò phản ứng nói trên có thể "góp gió thành bão" đối với chính quyền Biden.
Trang mạng tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị đình trệ, nhà lãnh đạo Kim vẫn tăng cường kho vũ khí của mình nhằm gia tăng ảnh hưởng và vị thế cho Bình Nhưỡng nếu các cuộc thảo luận được nối lại với chính quyền Biden.
Sau báo cáo nói trên của IAEA, một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden nhấn mạnh sự cần thiết phải nối lại các hoạt động ngoại giao và đàm phán để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Lâu nay, êkíp của ông Biden chịu trách nhiệm về vấn đề Triều Tiên vẫn khẳng định rằng Washington để ngỏ đối thoại và ám chỉ rằng Mỹ có thể đưa ra những biện pháp khích lệ kinh tế để đổi lại Bình Nhưỡng tiến hành những bước đi giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã "dội gáo nước lạnh" vào triển vọng nhanh chóng nối lại đàm phán bất chấp việc nước này dường như đang gặp khó khăn về kinh tế và y tế do đại dịch gây ra. Trước đó, Triều Tiên cũng lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc và Mỹ liên quan cuộc tập trận chung diễn ra gần đây mặc dù sự kiện này chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ do tình hình dịch bệnh và nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình với Bình Nhưỡng.
Trong một tuyên bố ngày 29/8 mà Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra, Bình Nhưỡng "thề" sẽ tăng cường khả năng "răn đe chiến tranh" đủ mạnh để đáp trả và loại bỏ bất kỳ mối đe dọa bên ngoài nào.
Trước đó, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim, chỉ trích cuộc tập trận kết thúc hôm 26/8 là "hành động tự hủy hoại và không được hoan nghênh, đồng thời sẽ phải trả giá đắt"./.