Triều Tiên khẳng định thiện chí hòa giải với Hàn Quốc

Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân.
Triều Tiên khẳng định thiện chí hòa giải với Hàn Quốc ảnh 1Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae Ryong. (Ảnh: Reuters)

Ngày 29/1, Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae Ryong đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, đồng thời kêu gọi Mỹ thực hiện các nghĩa vụ của nước này liên quan đến vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Bắc Kinh, Đại sứ Ji Jae Ryong khẳng định bản thân Triều Tiên đã "ngồi vào ghế đàm phán," theo đó kêu gọi các bên liên quan còn lại, gồm Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga cũng khẩn trương xúc tiến việc nối lại các cuộc thảo luận này.

Đại sứ Chi Jae Ryong nêu rõ việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là một trong những chủ trương lâu dài của nước này, song ông cũng nhấn mạnh rằng việc Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại đàm phán không có nghĩa là Triều Tiên sẽ đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân và một khi các mối đe dọa hạt nhân từ bên ngoài vẫn còn tồn tại, Triều Tiên sẽ tăng cường chương trình phát triển hạt nhân của mình.

Đại sứ Chi Jae Ryong cũng cho rằng Tuyên bố chung ngày 19/5/2005 tới nay vẫn chưa thể thực thi là do Mỹ lảng tránh các cam kết và nghĩa vụ của nước này đã nêu tại vòng đàm phán 6 bên.

Trong thỏa thuận lịch sử nói trên, Triều Tiên đã cam kết sẽ từ bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân đang phát triển để đổi lấy nguồn cung năng lượng và sự đảm bảo về an ninh.

Tuyên bố trên của phía Bình Nhưỡng được đưa ra ngay sau khi Đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên - đồng thời là trưởng đoàn đàm phán 6 bên - Glyn Davies hối thúc Bình Nhưỡng thay đổi thái độ hướng tới giải giáp hạt nhân.

Phát biểu sau cuộc gặp tại Seoul với người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yong, ông Davies cho biết Mỹ và các đồng minh của nước này đang mong chờ "sự chân thành và các hành động" của Bình Nhưỡng, cho rằng Triều Tiên cũng nhận thức được điều mà nước này đã nhất trí trong Tuyên bố chung ngày 19/9 và điều mà Liên hợp quốc quyết định về hoạt động hạt nhân và tên lửa của họ.

Ông Davies cho rằng đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên có ý định thực hiện các cam kết trước đây liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Triều Tiên đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán 6 bên vốn bị đình trệ từ cuối năm 2008 mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào, song Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn khăng khăng rằng đàm phán chỉ được nối lại chừng nào Bình Nhưỡng có những biện pháp cụ thể và đáng tin cậy tiến tới chấm dứt chương trình hạt nhân.

Trong những ngày qua, Triều Tiên liên tục có những động thái hòa giải với Hàn Quốc, trong đó đáng chú ý là việc sẵn sàng nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 29/1, Đại sứ Ji Jae Ryong đã một lần nữa khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại việc tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán vào sau dịp Tết Âm lịch. Ông Ji Jae Ryong cho biết Bình Nhưỡng quyết tâm phối hợp với Hàn Quốc để tạo ra bầu không khí hòa giải, đoàn kết và tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán, nối lại hoạt động du lịch Núi Kumgang, đồng thời thúc đẩy hợp tác, trao đổi liên Triều.

Về phần mình, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày cũng đã hối thúc Triều Tiên đẩy nhanh nỗ lực để tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh, song vẫn thể hiện quyết tâm tiếp tục tổ chức tập trận chung với Mỹ bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng.

Cho đến nay, thời điểm diễn ra sự kiện trên vẫn chưa được ấn định. Phía Seoul đề xuất sẽ tiến hành đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong khoảng thời gian từ ngày 17-22/2 tới, song Bình Nhưỡng cho rằng cần chờ tới khi tiết trời ấm hơn để tổ chức sự kiện này./.

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.