Triều Tiên nối lại đường dây nóng liên Triều: Bước khởi đầu cần thiết

Việc Triều Tiên nối lại đường dây nóng liên Triều được đặc biệt chú ý bởi động thái này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng hồi tháng 9 vừa qua liên tiếp tiến hành thử một loạt tên lửa mới.
Triều Tiên nối lại đường dây nóng liên Triều: Bước khởi đầu cần thiết ảnh 1Đường dây nóng liên Triều được lắp đặt tại Khu vực An ninh chung trong làng đình chiến Panmunjom, Triều Tiên. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Triều Tiên đã nối lại các đường dây nóng liên Triều sáng 4/10 sau hơn 2 tháng không hồi âm. Động thái được dư luận rất chờ mong này ít nhiều góp phần xây dựng lòng tin và rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho hai bên trao đổi về những vấn đề còn khúc mắc để mở ra các cơ hội cải thiện quan hệ song phương và quan hệ Mỹ-Triều.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong một chặng đường dài đầy rẫy những vật cản hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để người dân hai miền được sống trong hòa bình và thịnh vượng dài lâu.

Trong tuyên bố xác nhận các quan chức hai miền đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 8 vừa qua, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định việc khôi phục đường dây liên lạc này đã tạo nền tảng khôi phục quan hệ liên Triều, đồng thời bày tỏ hy vọng thông qua việc quản lý ổn định các đường dây liên lạc và nhanh chóng nối lại đối thoại, hai bên có thể bắt đầu và thúc đẩy các cuộc thảo luận thực chất về cải thiện quan hệ liên Triều và đưa hòa bình bén rễ trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin động thái này là một nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Sự kiện này rõ ràng là bước đi tích cực sau nhiều tháng quan hệ hai bên trong tình trạng "đóng băng."

Trước đó, ngày 27/7, hai bên thông báo mở lại đường dây liên lạc trực tiếp liên Triều sau hơn 1 năm Triều Tiên cắt đứt để phản đối phía Hàn Quốc cho phép các nhóm người đào tẩu Triều Tiên đưa tờ rơi chống Bình Nhưỡng qua biên giới.

[Triều Tiên quyết định nối lại đường dây nóng liên Triều từ sáng 4/10]

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Triều Tiên đã không trả lời các cuộc gọi từ phía Hàn Quốc để phản đối việc Hàn-Mỹ vẫn tiến hành cuộc tập trận chung mùa Hè, hoạt động mà Bình Nhưỡng lâu nay cho là cuộc diễn tập để chuẩn bị xâm lược nước này, mặc dù Hàn-Mỹ đã giảm quy mô cuộc tập trận vừa qua. Sự việc này cho thấy các đường dây liên lạc giữa hai miền rất “mong manh”, có thể dễ dàng bị cắt đứt bất cứ lúc nào.

Việc Triều Tiên nối lại đường dây nóng liên Triều càng được đặc biệt chú ý bởi động thái này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng hồi tháng 9 vừa qua liên tiếp tiến hành thử một loạt tên lửa mới, từ tên lửa phòng không tới tên lửa hành trình tầm xa hay tên lửa siêu thanh... Lâu nay, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vốn được cho là "hành động nắn gân", gây sức ép đối với Mỹ và Hàn Quốc.

Bởi vậy, việc khôi phục đường dây liên lạc, phần nào đó có thể coi là một cử chỉ mang tính chất xoa dịu sau những động thái cứng rắn của Triều Tiên vừa qua.

Triều Tiên nối lại đường dây nóng liên Triều: Bước khởi đầu cần thiết ảnh 2Vụ phóng thử tên lửa siêu thanh mới Hwasong-8 tại Toyang-ri, thuộc huyện Ryongrim, tỉnh Jagang, Triều Tiên, ngày 28/9/2021. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ông Ken Gause, chuyên gia về Triều Tiên tại tổ chức CAN (Mỹ) nhận định bước đi này của Triều Tiên sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng với Hàn Quốc, từ đó Hàn Quốc có thể thúc đẩy khía cạnh ngoại giao để tháo gỡ những "nút thắt" trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên.

Trên thực tế, việc quan hệ liên Triều được cải thiện sau các hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chính là "chất xúc tác," tạo tiền đề cho các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sau đó.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá về tác động của việc hai miền nối lại đường dây liên lạc lần này đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc, dù tuyên bố sẽ thúc đẩy việc tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao với Triều Tiên trước cuối năm nay, đồng thời tái khẳng định  nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại đối thoại, song cũng đã có một số động thái củng cố sức mạnh như thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), hạ thủy tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho tối tân 3.000 tấn.

Seoul cũng có kế hoạch phát triển tên lửa mới với sức công phá như vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ dỡ bỏ các quy định hạn chế Hàn Quốc phát triển tên lửa. Trong kế hoạch quốc phòng giai đoạn 2022-2026, quân đội Hàn Quốc sẽ triển khai các tên lửa đánh chặn mới chống lại các mối đe dọa từ pháo tầm xa và nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Hàn Quốc còn nhấn mạnh chính phủ và quân đội nước này sẽ cương quyết đáp trả bất kỳ hành động nào đe dọa tính mạng và sự an toàn của người dân Hàn Quốc.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang cho thấy cách tiếp cận "không vội vàng" trong vấn đề Triều Tiên.

Nói cách khác, có vẻ đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện không phải là ưu tiên chính sách số một của Washington, khi chính quyền Tổng thống Biden cũng đang phải giải quyết một loạt vấn đề chính sách đối ngoại, từ cuộc khủng hoảng tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, đến nỗ lực đàm phán hạt nhân với Iran, cũng như ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những động thái liên tiếp trên của cả Triều Tiên cũng như Hàn Quốc và Mỹ cho thấy triển vọng đạt được bước tiến lớn trong quan hệ liên Triều hay Mỹ-Triều vẫn rất mù mịt bởi hai bên tỏ ra khá cương quyết trong lập trường của mình, trong khi thời gian tại nhiệm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không còn nhiều.

Tuy nhiên, đúng như những gì các bên tuyên bố, việc khôi phục đường dây liên lạc liên Triều này rõ ràng là bước khởi đầu cần thiết để tạo nền tảng cho việc nối lại đối thoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.