Theo AFP/Reuters/Trang mạng thehill.com/koreaherald.com, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên lại tiếp tục phóng tên lửa vào ngày 28/9, trong khi Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc khẳng định quốc gia này có quyền không thể phủ nhận đối với việc thử nghiệm vũ khí.
Theo Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, tên lửa được phía Hàn Quốc nhận định là tầm ngắn, được phóng từ tỉnh Jagang hướng về vùng biển ngoài khơi phía Đông vào khoảng 6 giờ 40 phút sáng 28/9, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản lại nói với hãng tin AFP rằng “đây có vẻ như là một tên lửa đạn đạo” và không cung cấp thông tin gì thêm.
Trước đó vào ngày 12/9, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa “chiến lược” đầu tiên của mình, một phần trong chuỗi các hoạt động thử nghiệm tên lửa.
Theo Hãng thông tấn Trung tương Triều Tiên (KCNA), các tên lửa này đã bắn trúng mục tiêu ở cách xa 1.500km, một khoảng cách có thể nhắm tới phần lớn các mục tiêu tại Nhật Bản và toàn bộ Hàn Quốc.
Lạc quan thận trọng
Theo nhận định của AFP, vụ phóng ngày 28/9 là động thái mới nhất trong chuỗi các thông điệp lẫn lộn từ phía Bình Nhưỡng, diễn ra chỉ vài ngày sau khi người em gái quyền lực Kim Yo-jong của nhà lãnh đạo Kim Jong-un bóng gió nói về triển vọng thượng đỉnh liên Triều.
Bà Kim Yo-jong cũng nhấn mạnh yêu cầu về “sự công bằng” và tôn trọng lẫn nhau, kêu gọi Hàn Quốc “chấm dứt những phát biểu mang tính cạnh khóe và xấc xược."
Bà Kim Yo-jong lên án những chỉ trích “tiêu chuẩn kép” mà Mỹ và Hàn Quốc đưa ra đối với hoạt động phát triển quân sự của miền Bắc, trong khi chính liên minh này lại không ngừng củng cố năng lực của họ.
Ngày 25/9, bà Kim Yo-jong cho biết hai miền Triều Tiên có thể thảo luận về việc cải thiện quan hệ song phương vốn bị trì hoãn từ lâu nếu lòng tin được khôi phục. Bà cũng nói rằng Triều Tiên thậm chí sẽ cân nhắc tiến hành một hội nghị thượng đỉnh và tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên “nếu các điều kiện được đáp ứng."
Tờ Korea Herald cho biết Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 27/9 đã tỏ ra khá thận trọng trước động thái hòa giải của phía Triều Tiên. Park Soo-hyun, thư ký cấp cao của Tổng thống Moon Jae-in về thông tin liên lạc, trao đổi trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS ngày 27/9: “Chúng tôi nhìn nhận tuyên bố này là một động thái tích cực, song vẫn cần phải thận trọng."
Thực tế phát biểu có phần mập mờ của bà Kim Yo-jong đang làm dấy lên nhiều hoài nghi về ý đồ thật sự của Triều Tiên. Những người bảo thủ không đánh giá cao động thái này, cho rằng “các điều kiện” mà Triều Tiên đề cập là những đòi hỏi nới lỏng trừng phạt mà Mỹ không thể đáp ứng ngay lập tức. Trong khi đó, phe tự do lại nhìn nhận sự mập mờ trong lời nói của Kim Yo-jong là để tạo không gian cho ngoại giao.
Ông Park cũng thừa nhận phát biểu của bà Kim Yo-jong có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, song ông nhận thấy ở đó có sự lạc quan thận trọng. Ông nói: “Kim sử dụng lối nói ‘chỉ là quan điểm cá nhân của tôi’. Điều này khá hiếm hoi. Bà ấy để chừa chỗ cho sự linh hoạt nhất định nhằm kiểm soát tình hình tốt hơn… Những yêu cầu của bà ấy cũng ít cụ thể hơn. Tôi cho rằng Triều Tiên lại đang có thái độ tích cực đối với đối thoại."
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tới sự thận trọng và tránh quá kỳ vọng vào phát biểu mới của Triều Tiên, cho rằng việc khôi phục đường dây nóng có thể được xem là tín hiệu cho thấy nước này có sẵn lòng trở lại bàn đàm phán hay không.
Trong bài phát biểu riêng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Triều Tiên Kim Song nhấn mạnh Triều Tiên có quyền “phát triển, thử nghiệm, sản xuất và sở hữu” hệ thống vũ khí tương đương với của Hàn Quốc và Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ xây dựng năng lực quốc phòng đề phòng vệ, và có thể đảm bảo an ninh cũng như hòa bình đất nước."
[Triều Tiên quyết định nối lại đường dây nóng liên Triều từ sáng 4/10]
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người chỉ còn vài tháng tại nhiệm, đã nhiều lần tái khẳng định trước Đại hội đồng Liên hợp quốc những lời kêu gọi về việc chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Về khả năng diễn ra một hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong khoảng thời gian tại vị còn lại của Tổng thống Moon Jae-in, ông Park Soo-hyun nói: “Vấn đề Triều Tiên đòi hỏi các tiếp cận song song, cân nhắc cả quan hệ liên Triều, và quan hệ Mỹ-Triều. Chúng tôi sẽ không vội vã tiến hành một hội nghị thượng đỉnh chỉ để cải thiện quan hệ hai miền."
Sau cuộc họp khẩn ngày 28/9, Ủy ban An ninh Hàn Quốc ra tuyên bố cho biết “lấy làm tiếc về vụ phóng tên lửa (của Triều Tiên) vào thời điểm tình trạng ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên là điều rất quan trọng."
Giáo sư Yang Moo-jin, làm việc tại Đại học Hàn Quốc, nói với phóng viên hãng tin AFP: “Có vẻ như Triều Tiên muốn thử xem xem Hàn Quốc chân thành tới đâu với quyết tâm cải thiện quan hệ liên Triều và chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên… Bình Nhưỡng sẽ giám sát và nghiên cứu phản ứng của Tổng thống Moon Jae-in sau vụ phóng ngày 28/9 và quyết định về những vấn đề như có khôi phục đường dây nóng liên Triều hay không."
Tiềm ẩn rủi ro
Nhiều nhà phân tích đã kết nối việc Triều Tiên sử dụng cụm từ “vũ khí chiến lược” trong tuyên bố sau vụ phóng hôm 12/9 với ý định trang bị vũ khí này với đầu đạn hạt nhân trong tương lai. Nếu vậy, tham vọng này sẽ thúc đẩy một chính sách thực dụng tiềm ẩn nhiều bất ổn nhất của thế kỷ 21: cuộc chạy đua vũ trang nhằm phán triển các tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân.
Hiện tại có ít nhất 3 cường quốc hạt nhân sở hữu vũ khí tên lửa hành trình trang bị hạt nhân là Mỹ, Nga và Pháp. Mỹ và Nga cùng các quốc gia khác như Pakistan và Ấn Độ mới chỉ gắn đầu đạn hạt nhân ở các tên lửa đạn đạo đang cân nhắc khả năng phát triển hơn nữa tên lửa hành trình trang bị hạt nhân. Các vũ khí này ngày càng có vai trò lớn hơn trong quan điểm về an ninh quốc gia của những nước này.
Thực tế xu hướng của các quốc gia khác đang tạo điều kiện để Triều Tiên dễ dàng đi về hướng phát triển các tên lửa hành trình trang bị hạt nhân. Các vũ khí lưỡng dụng này có ưu thế rõ ràng khi xét đến mức độ tác chiến và chiến thuật trong xung đột.
Dù được phóng trên biển, mặt đất hay trên không, các tên lửa có thể ngăn chặn hệ thống phòng thủ hiệu quả hơn tên lửa đạn đạo. Không thể phân biệt được đầu đạn hạt nhân với đầu đạn thông thường cho đến khi nó phát nổ, và nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm là rất khó tránh khỏi.
Ở các quốc gia sở hữu chúng, giới lãnh đạo cấp cao thường nhìn nhận đây là loại vũ khí hạt nhân khả dụng nhất, và đó cũng là lý do vì sao các lãnh đạo thế giới đã từng phải nỗ lực suốt hàng thâp kỷ để giảm sự hiện diện của tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, tên lửa đạn đạo có thể được nhận diện ngay khi phóng, và khả năng xảy ra sai sót cũng thấp hơn. Nói cách khác, nếu thông tin về vụ phóng mập mờ, năng lực răn đe thậm chí sẽ bị suy yếu, hạn chế khả năng phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân và gia tăng nguy cơ các quốc gia hiểu sai hành động của nhau và có thể đẩy một cuộc chiến từ truyền thống sang xung đột với vũ khí hạt nhân.
Cộng đồng quốc tế có thể hành động theo nhiều cách khác nhau để tránh phát đi những tín hiệu sai đối với Bình Nhưỡng. Trước hết, giới lãnh đạo của các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân và các đồng minh nên tìm cách khôi phục và sửa đổi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với trọng tâm là giảm thiểu rủi ro hạt nhân chứ không chỉ giảm số lượng đầu đạn và hệ thống phóng.
Cộng đồng quốc tế cũng nên tăng cường các nỗ lực chấm dứt các chương trình phát triển tên lửa hành trình trang bị hạt nhân. Tuyên bố và kể cả các biện pháp trừng phạt là không đủ. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới phải báo hiệu rằng cộng đồng quốc tế sẽ cùng nhau gạt bỏ những bất đồng để chấm dứt loại vũ khí hạt nhân gây bất ổn nhất này.
Tổng thống Mỹ Biden và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh một lần nữa vào ngày 16/6/2021 rằng “chiến tranh hạt nhân là cuộc chiến không thể thắng." Vậy tại sao phải “dung túng” loại vũ khí có thể đẩy chúng ta vào cuộc chiến đó?./.