Triều Tiên quan ngại cuộc tập trận chung Freedom Edge của Mỹ-Nhật-Hàn

Triều Tiên quan ngại việc Mỹ-Nhật-Hàn "liên tục phô trương sức mạnh quân sự," đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của hành động mà Triều Tiên cho là "khiêu khích" này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (thứ 3, trái) trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tại căn cứ hải quân ở thành phố Busan, Hàn Quốc ngày 25/6. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (thứ 3, trái) trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tại căn cứ hải quân ở thành phố Busan, Hàn Quốc ngày 25/6. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 30/6, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra thông cáo báo chí, bày tỏ quan ngại việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận chung mang tên Freedom Edge ở vùng biển gần nước này từ ngày 27-29/6.

Tuyên bố nêu rõ trước đây Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc từng tổ chức nhiều cuộc tập trận chung lớn, nhỏ với nhiều lý do khác nhau, song chưa từng có cuộc tập trận quy mô lớn nào được đặt tên đặc biệt như vậy.

Tuyên bố quan ngại việc Mỹ-Nhật-Hàn "liên tục phô trương sức mạnh quân sự," đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của hành động mà Triều Tiên cho là "khiêu khích" này.

Trước đó, ngày 27/6, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết cuộc tập trận kéo dài 3 ngày, được tiến hành ở vùng biển quốc tế phía Nam đảo nghỉ dưỡng Jeju, miền Nam Hàn Quốc.

Freedom là từ đầu tiên trong tên cuộc tập trận chung song phương Freedom Shield (Lá chắn Tự do) giữa Mỹ và Hàn Quốc, còn Edge là từ cuối trong tên cuộc tập trận Keen Edge (Lưỡi dao sắc bén) giữa Mỹ và Nhật Bản.

Cuộc tập trận được tiến hành sau khi các bộ trưởng quốc phòng 3 nước "bật đèn xanh" hồi đầu tháng, nhằm thực hiện thỏa thuận của các nhà lãnh đạo 3 bên hồi tháng 8/2023 tại Trại David (Mỹ) về việc tổ chức các cuộc tập trận 3 bên “thường niên, có tên riêng, đa lĩnh vực.”

Freedom Edge huy động nhiều tàu chiến và máy bay từ 3 bên, trong đó có tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ, tàu khu trục ROKS Seoae Ryu Seong-ryong của Hàn Quốc và tàu khu trục trực thăng JS Ise của Nhật Bản.

Theo JCS , cuộc tập trận lần này sẽ tập trung vào phòng thủ tên lửa đạn đạo, phòng không, tác chiến chống tàu ngầm, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn hàng hải và huấn luyện phòng thủ trên mạng.

JCS cũng cho biết 3 bên sẽ tiếp tục mở rộng Freedom Edge trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.