Triều Tiên sẽ đánh đổi tất cả để có được hiệp ước hòa bình?

Bốn "người chơi chính" gồm Mỹ, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên dường như đang cân nhắc sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên như thế nào.
Triều Tiên sẽ đánh đổi tất cả để có được hiệp ước hòa bình? ảnh 1(Nguồn: India.com)

Theo mạng tin nationalinterest.org, lời đồn đoán mới nhất của mùa Hè này (liên quan đến tiến trình giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên) là một Hiệp ước hòa bình vẫn đang trong giai đoạn đàm phán bí mật.

Bốn "người chơi chính" gồm Mỹ, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên dường như đang cân nhắc sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên như thế nào.

Trên thực tế, cuộc chiến này (1950-1953) về lý thuyết mới chỉ được "tạm dừng" bằng một thỏa thuận đình chiến và cho đến nay vẫn chưa có một hiệp ước chính thức nào được ký kết.

Chính phủ theo đường lối tự do của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực tìm cách "kết nối" với Triều Tiên và việc chính thức chấm dứt chiến tranh là một phần trong đó.

Hiện có rất nhiều rào cản cho những nỗ lực này của Hàn Quốc. Về pháp lý, một Hiệp ước Hòa bình là vấn đề nan giải. Hàn Quốc chưa ký kết thỏa thuận đình chiến mà chỉ có đại diện của Liên hợp quốc (thay mặt cho liên quân tham chiến) lúc đó là Tướng Mark Clark. Hiện vẫn còn một số vấn đề chưa rõ ràng như: liệu Mỹ có thể đơn phương ký kết Hiệp định hòa bình hay không? Liên hợp quốc có cần ký kết theo một cách thức nào đó hay phải cần đến sự ủng hộ của các quốc gia thành viên khác tham gia đội quân của Liên hợp quốc? Liệu Trung Quốc, một bên vốn đã cử "quân tình nguyện" tham gia cuộc chiến đó có được tham gia ký kết hiệp ước hay không?...

Cuối cùng, sẽ mất rất nhiều thời gian để thảo luận về các khái niệm như "Tuyên bố chấm dứt chiến tranh" hoặc "Chế độ hòa bình" hơn là một hiệp ước hòa bình. Cuộc tranh luận hợp pháp sẽ rất rắc rối.

Vấn đề quan trọng khác là "cán cân lực lượng chính trị" vốn rất hữu ích cho một hiệp ước đầu tiên trong lịch sử. Trung Quốc hiện là một "người chơi chính" trong các chương trình nghị sự của bán đảo Triều Tiên.

Ngay cả khi không tham gia ký kết một tuyên bố chính thức thì bất cứ một trật tự mới nào trên bán đảo này cũng cần có sự ủng hộ của Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc muốn một tuyên bố hòa bình để giảm bớt xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng từ lâu đã muốn có được một Hiệp ước hòa bình như một sự công nhận về quyền tồn tại của họ trong khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều phản đối.

Một hiệp ước hòa bình là một bước tiến khác trên con đường thừa nhận Triều Tiên, hợp pháp hóa sự tồn tại của chế độ hiện nay ở Bình Nhưỡng bất chấp đó là một chế độ độc tài chuyên chế, và chính thức xóa bỏ sự chia cắt của bán đảo này. Điều quan trọng hiện nay là cả lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ dường như không mấy quan tâm đến vấn đề này.

[Mỹ và Triều Tiên có tiến tới ký được hợp tác hòa bình?]

Tổng thống Moon Jae-in đã chuẩn bị để công nhận Triều Tiên là một nhà nước độc lập. Những người cánh tả ở Hàn Quốc từ lâu đã cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm chính về sự chia cắt này.

Nếu hòa bình đồng nghĩa với việc Mỹ "từ bỏ" Hàn Quốc thì sau đó là sự hòa giải và có thể đi đến thống nhất hai miền bất cứ lúc nào. Mỹ đã phản đối logic này trong một thời gian dài nhưng dưới thời chính quyền Donald Trump dường như vấn đề này không còn quan trọng nữa. Lợi ích của Mỹ ở Hàn Quốc là đạt được những mục tiêu chính trị để giải quyết các yêu cầu trong nước.

Ông Trump không mấy quan tâm đến vị thế của Mỹ ở châu Á hoặc giữa các đồng minh của Mỹ, nhất là thường xuyên công khai xem nhẹ liên minh Mỹ-Hàn.

Vậy chỉ có một cơ hội duy nhất để ông Moon Jae-in đạt được một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, với những dấu hiệu hòa hoãn quá nhanh trên bán đảo Triều Tiên trong năm nay, hiện vẫn chưa rõ tại sao phe Dân chủ lại có thể đồng ý với một trật tự mới này.

Sự thiếu vắng hiệp ước hòa bình không có nghĩa bán đảo Triều Tiên đang ở đỉnh điểm của chiến tranh. Điều này là phổ biến nhưng hoàn toàn sai trong cách đánh giá về Triều Tiên của phương Tây. Hòa bình ở bán đảo Triều Tiên là tương đối ổn định. Chính sách ngăn chặn và cô lập Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc đã phát huy tác dụng trong nhiều thập kỷ. Nếu có vấn đề gì đó thì là bởi Triều Tiên đã vi phạm hòa bình bằng các cuộc tấn công dọc biên giới trên đất liền và trên biển. Vì vậy, một hiệp ước hòa bình hoàn toàn không phải là về hòa bình.

Đúng hơn, hiệp ước là sự công nhận. Một hiệp ước chính thức với chữ ký của Triều Tiên bên cạnh chữ ký của Mỹ và Hàn Quốc có thể là một bước tiến nữa trong chặng đường tiến tới giải pháp hai nhà nước mà chính quyền Bình Nhưỡng từ lâu đang tìm kiếm.

Hơn nữa, các quốc gia dân chủ chính thức kết giao với Triều Tiên, một quốc gia thành viên hợp pháp tham gia cộng đồng quốc tế. Đó tất nhiên là trọng tâm đối ngoại của chính quyền Bình Nhưỡng trong năm nay. Triều Tiên hiện an toàn với kho vũ khí hạt nhân và có thể lấy đó làm "lá bài" mặc cả, đàm phán để xóa bỏ vị thế "phía dưới" của mình.

Vấn đề này đã dẫn đến tiến trình giảm căng thẳng trong suốt thời gian qua. Liên tục và liên tục, Mỹ và Hàn Quốc đã trao cho Triều Tiên những cơ hội "kiến tạo thanh danh" - hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều và một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều - nhưng cuối cùng không có được thành quả cụ thể nào. Vị thế có được từ sự công nhận của thế giới sau cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều cũng quan trọng đối với Bình Nhưỡng như những thành quả hữu hình (giảm số lượng binh sỹ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc).

Đổi lại, Mỹ và các nước đã không nhận được nhiều từ phía Triều Tiên. Và các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình dường như cũng sẽ rơi vào tình thế tương tự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.