Triều Tiên và Nga củng cố quan hệ kinh tế, thương mại

Triều Tiên và Nga nâng mối quan hệ kinh tế, thương mại lên tầm cao mới

Ngày 7/6, các quan chức cấp cao của Triều Tiên và Nga đã gặp nhau để thảo luận về hợp tác kinh tế song phương và quan hệ thương mại.
Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế đối ngoại Triều Tiên Kim Yong-jae và Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông Nga Alexander Kozlov. (Nguồn: Yonhap)

Ngày 7/6, các quan chức cấp cao của Triều Tiên và Nga đã gặp nhau để thảo luận về hợp tác kinh tế song phương và quan hệ thương mại.

Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế đối ngoại Triều Tiên Kim Yong-jae đã gặp Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông Nga Alexander Kozlov, người đang ở thăm Bình Nhưỡng.

KCNA nêu rõ tại cuộc gặp, hai quan chức đã thảo luận các vấn đề về việc tiếp tục nối lại công tác của Ủy ban liên chính phủ Nga-Triều về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ, cũng như nâng mối quan hệ kinh tế và thương mại cùng có lợi giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Moskva đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nga hồi tháng 4 vừa qua để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

[Nga, Triều Tiên thảo luận về vấn đề hợp tác thương mại, kinh tế]

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo và cũng là hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, kể từ sau khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il thăm Nga năm 2011.

Bình Nhưỡng đã tìm cách mở rộng trao đổi với các nước láng giềng, trong đó có Nga, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt dường như vẫn sẽ được duy trì và ngăn cản nỗ lực tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên do có ít tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Tiến trình đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua.

Do hội nghị không đạt thỏa thuận, Bình Nhưỡng được cho đã có những bước đi cứng rắn hơn như phóng các vật thể tầm ngắn vào vùng biển phía Đông, động thái được xem là chiến thuật nhằm gây sức ép, buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục