Trình diễn ánh sáng, 3D mapping, kể về lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Không gian nghệ thuật trình diễn sẽ tái hiện một cách cảm xúc và sáng tạo câu chuyện lịch sử của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đưa khán giả khám phá vẻ đẹp của di sản văn hóa dân tộc theo cách mới.

Chương trình trình chiếu nghệ thuật 3D mapping có nội dung tôn vinh truyền thống học tập của dân tộc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chương trình trình chiếu nghệ thuật 3D mapping có nội dung tôn vinh truyền thống học tập của dân tộc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tối 28/11, Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám giới thiệu phim 3D mapping “Sử đá lưu danh” nhằm tiếp tục làm sáng tỏ các giá trị văn hóa-lịch sử của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Nội dung câu chuyện kể về một chú rùa đi tìm kiếm những giá trị ẩn sau lớp mặt đá im lìm của 82 bia Tiến sỹ. Chú đã khám phá ra rằng mỗi tấm bia chính là một pho sử viết về các kỳ thi và những người đỗ đạt khoa bảng.

Câu chuyện đã truyền cảm hứng khiến chú rùa cũng mong được học hành đỗ đạt nên đi tìm thầy bái sư xin học. Thầy đồ tặng chú một cuốn sách mang về đọc. Trên đường về, một cơn giông lốc nổi lên khiến cho cuốn sách bị mở tung và các trang sách bay khắp nơi. Chú rùa hớt hải gom những trang sách để ghép lại và chợt nhận ra đó chính là nội dung khắc trên những tấm bia Tiến sỹ. Chưa kịp mừng thì một luồng sáng thần bí từ trên không trung rọi xuống khiến cuốn sách biến thành một tảng đá xù xì.

vnp_vanmieu3.jpg
Buổi trình chiếu 3D mapping nghệ thuật với chủ đề dẫn dắt người xem vào thế giới huyền bí của chú rùa cõng bia đá. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thêm một lần nữa, chú rùa rơi vào tâm trạng hoang mang, không hiểu vì sao mình luôn bị thử thách. Bất chợt một đàn chim gõ kiến bay đến, đậu lên tảng đá và bắt đầu gõ vào mặt đá. Những tiếng gõ ban đầu loạn xạ, nhưng rồi dần dần có nhịp điệu và mỗi chú chim gõ kiến biến thành một bàn tay người thợ chạm khắc đá để rồi cuối cùng tạo nên một tấm bia Tiến sỹ hoàn chỉnh.

Chú rùa hân hoan ôm lấy tấm bia như một món quà quý giá trong khi rất nhiều chú rùa khác cũng từ xa chạy đến với một tấm bia Tiến sỹ trên tay. Đàn rùa hào hứng tung những tấm bia lên không trung rồi nằm xuống hoa đá.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, câu chuyện là sự gợi mở để mỗi khách tham quan khi đến với Văn Miếu-Quốc Tử Giám hãy dành thời gian tìm hiểu các bia Tiến sỹ Thăng Long như những cuốn sử bằng đá tôn vinh truyền thống học tập trong mỗi con người Việt Nam.

“Với mong muốn tiếp tục phát huy giá trị của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm tòi để tiếp tục ra mắt những chương trình mới phục vụ khách tham quan. Công tác nghiên cứu, trưng bày, phát huy di sản luôn được triển khai trên tinh thần vận dụng công nghệ một cách sáng tạo, đổi mới nhưng không phá vỡ di sản,” Tiến sỹ Lê Xuân Kiêu cho biết./.

Một số hình ảnh trong chương trình:

vnp_vanmieu.jpg
Hành trình ánh sáng sẽ tái hiện một cách đầy cảm xúc và sáng tạo câu chuyện lịch sử của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đưa khán giả khám phá vẻ đẹp của di sản văn hóa dân tộc theo cách hoàn toàn mới. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vnp_vanmieu2.jpg
Những tấm bia Tiến sỹ trở thành những biểu tượng sống động của trí tuệ Việt. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
vanmieu6.jpg
Không chỉ là đá, những tấm bia ấy còn là pho sử ngàn đời, lưu giữ niềm tự hào về truyền thống tôn vinh hiền tài. (Ảnh: PV/Vietnam+)
vanmieu5.jpg
Khách tham quan trải nghiệm chương trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.