Trung Bộ tiếp tục mưa to cục bộ, thiệt hại do sạt lở đất và ngập úng

Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa dao động ở mức báo động 1 và trên báo động 1; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa.
Khoảng 450ha diện tích canh tác lúa ở xã Vinh Hà, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) bị ngập sâu hơn 1m do mưa lớn và triều cường dâng cao từ ngày 25/12. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu, đêm 28 và ngày 29/12, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 50mm.

Chiều 28/12, lũ trên sông Kôn (Bình Định), hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn (Quảng Nam) và các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang lên; các sông ở Quảng Ngãi đang xuống.

Mực nước sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) ở dưới mức báo động 2, sông Vệ (Quảng Ngãi) và sông Kôn ở mức báo động 2-báo động 3, các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa ở dưới và xấp xỉ mức báo động 1.

Đến tối 28/12, lũ trên sông Kôn tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở xấp xỉ mức báo động 3, sau đó xuống chậm. Từ ngày 28-29/12, khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa.

Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa dao động ở mức báo động 1 và trên báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Theo phóng viên TTXVN tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, mưa lớn đã gây sạt lở đất, ngập úng, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.

Tuyến đường giao thông đi vào khu nghỉ dưỡng Laguna (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) bị sạt lở một số vị trí và có nguy cơ tiếp tục sạt trong thời gian tới do mưa lớn vẫn đang tiếp diễn. Tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, diện tích hoa màu bị thiệt hại là 16,2ha.

Huyện Phú Lộc đã chỉ đạo di dời 14 hộ với 56 người dân có nhà ở khu vực phía Bắc chân đèo Phú Gia thuộc địa bàn xã Lộc Tiến đến nơi tránh trú an toàn. Tại các vị trí sạt lở, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan bố trí đầy đủ hệ thống rào chắn, biển báo, nhân lực trực gác và phân luồng đảm bảo giao thông; cảnh báo, thông báo cho người dân và các phương tiện hạn chế đi lại.

[Quảng Ngãi: Mưa lớn trên diện rộng, nhiều xã ngập trong nước lũ]

Tại Quảng Ngãi, các xã, phường ven sông các sông Trà Câu, Phước Giang đã bị ngập lụt, như phường: Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Văn, Phổ Thuận (thị xã Đức Phổ) bị ngập sâu trung bình từ 0,5-0,7m.

Các xã Hành Dũng, Hành Đức (huyện Nghĩa Hành) bị ngập từ 0,3-0,5m. Riêng tại khu vực nội thành thành phố Quảng Ngãi, nhiều tuyến đường nội thành bị ngập trung bình khoảng 0,3m. Thống kê ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 386 nhà ở bị ngập, hư hỏng đập dâng Đồng Thét và làm sạt lở 1.295m kênh mương.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt, chia cắt; rà soát phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra và sẵn sàng sơ tán người dân tại khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét bảo đảm an toàn.

Các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo các chủ hồ chứa vận hành đảm bảo an toàn công trình và hạ du; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập nhất là các hồ đã đầy nước và các công trình xung yếu, đang thi công; tổ chức cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông; triển khai các biện pháp sẵn sàng tiêu nước chống úng và khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân sau lũ; sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Dự báo chi tiết cho các khu vực đêm 28 và ngày 29/12: Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi. Gió nhẹ. Trời rét, có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, có nơi dưới 10 độ C; cao nhất 16-19 độ C, riêng khu Tây Bắc 20-23 độ C, có nơi trên 23 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có khả năng có mưa tuyết và băng giá. Nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C, vùng núi 10-13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C; cao nhất 16-19 độ C, vùng núi có nơi dưới 16 độ C.

Khu vực Hà Nội nhiều mây, không mưa. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C, cao nhất 17-19 độ C.

Khu vực Hà Nội trời rét, nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C, cao nhất 17-19 độ C. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi, phía Nam có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 13-16 độ C, phía Nam có nơi trên 17 độ C; cao nhất 18-21 độ C, có nơi trên 21 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, phía Bắc có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng Ninh Thuận-Bình Thuận có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Phía Bắc trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, phía Nam 21-24 độ C; cao nhất phía Bắc 24-27 độ C, phía Nam 27-30 độ C.

Tây Nguyên nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, cao nhất 25-28 độ C.

Nam Bộ có mây, chiều tối và đêm có mưa rào, dông vài nơi, ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất 30-33 độ C./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục