Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin Mỹ vừa bước vào một giai đoạn cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc và đối đầu với Nga.
Sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga còn tạo ra được một mối quan hệ thân thiện: sự gần gũi cơ bản về thế giới quan và sự hợp tác thân thiết trong các chính sách, song không có một liên minh chính thức.
Nguyên nhân của sự tái sắp xếp này là sự bất lực trong việc xây dựng một trật tự thế giới tổng thể có thể thích nghi với tất cả các nhân tố lớn sau Chiến tranh Lạnh.
[Trung Quốc tuyên bố không đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Nga, Mỹ]
Điều này cũng thể hiện những hạn chế của sự thống trị của một cường quốc duy nhất- Mỹ- vốn chỉ có thể tồn tại chừng nào Mỹ vẫn duy trì thiện chí đảm nhiệm trọng trách này, còn các nhân tố chính khác thì bằng lòng với sự chi phối của Mỹ. Những mối quan hệ cạnh tranh nước lớn lịch sử đã quay trở lại.
Sự đối địch Mỹ-Trung và Mỹ-Nga chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ cho đến khi một sự ổn định mới được hình thành.
Tuy nhiên, cả sự đối địch lẫn quan hệ thân thiết nói trên đều bất cân xứng. Mỹ, Trung Quốc và Nga có những khả năng và nguồn lực hoàn toàn khác nhau.
Họ chỉ cùng chung hạng mục ở một điểm duy nhất, đó là cả ba đều là những cường quốc quân sự và là nhân tố địa chính trị mạnh mẽ mà sự tác động giữa họ có thể gây ảnh hưởng lớn đến trật tự chiến lược toàn cầu.
Mỗi nước có một chương trình nghị sự, các mục tiêu, chiến lược và chiến thuật của riêng mình. Đây là một hình mẫu quan hệ mới, khác biệt so với cả kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh lẫn sự thù địch ở châu Âu vào các thế kỷ 18 và 19.
Mỹ đang tìm cách duy trì địa vị tối cao trên toàn cầu, trong bối cảnh sự thống trị đã không còn được đảm bảo nữa.
Washington coi Bắc Kinh là đối thủ hàng đầu của mình với khả năng vượt mặt họ về mặt kinh tế và có thể là cả công nghệ, trong khi coi Moskva là một kẻ phá bĩnh với những tham vọng quá khổ.
Tuy nhiên, Mỹ mới chỉ khởi động một cuộc tranh cãi nội bộ về vai trò toàn cầu và những mục tiêu đối ngoại của họ trong tương lai.
Về điểm này, có một điều dường như đã rõ ràng: để duy trì được sức cạnh tranh, Mỹ sẽ phải tập trung nhiều hơn vào nền tảng trong nước, và sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ các đồng minh của mình.
Trung Quốc đang nỗ lực để tiếp tục trỗi dậy trên toàn cầu, mặc dù trọng tâm hàng đầu của họ tiếp tục tập trung vào phát triển trong nước, và trên hết là duy trì trật tự xã hội và chính trị.
Chiến lược của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích củng cố sức nặng của Bắc Kinh trong các hệ thống toàn cầu, từng bước thay thế Mỹ trong các vị trí hàng đầu.
Mối quan hệ với Nga giúp Trung Quốc đảm bảo một môi trường địa chính trị ổn định và một nguồn tài nguyên từ năng lượng cho đến công nghệ quân sự.
Về phần mình, Nga đã cố gắng củng cố vị thế siêu cường mới được khôi phục của họ, dù với quy mô nhỏ hơn nhiều so với thời Liên Xô và các thời kỳ đế quốc.
Moskva không cạnh tranh vị thế thống trị toàn cầu với Washington, cũng không cạnh tranh địa vị hàng đầu châu lục với Bắc Kinh, mà đúng hơn là đang tìm cách duy trì quyền tối cao về địa chính trị và an ninh so với Mỹ và Trung Quốc.
Trong tương lai gần, Moskva coi Washington là một đối thủ chính, còn Bắc Kinh là đối tác chính. Tuy nhiên, Moskva cũng rất cẩn trọng để không trở nên phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.
Chính quyền Trump đang theo đuổi một chiến dịch hoàn toàn phi truyền thống trong việc gây áp lực lên cả Trung Quốc và Nga- hai siêu cường đối thủ của Mỹ.
Lập trường này khá khác thường bởi trong quá khứ Washington thường tránh đẩy Bắc Kinh và Moskva quá gần nhau.
Sự thay đổi này có thể được giải thích bởi tâm lý không tôn trọng của Mỹ với Nga và một niềm tin rằng Trung Quốc cũng đang âm thầm chia sẻ sự không tôn trọng này; và bởi toan tính của Mỹ rằng những khác biệt giữa Nga và Trung Quốc là quá lớn và sâu sắc, khiến họ không thể hình thành được một khối vững chắc chống lại Mỹ.
Theo đó, Nga rốt cuộc sẽ từ bỏ Trung Quốc bởi hầu hết những cơ hội cho sự phát triển của họ đều nằm ở phương Tây.
Những toan tính này chủ yếu nảy sinh từ những tiến triển thời gian gần đây. Sau năm 2014, Trung Quốc đã từ bỏ một cơ hội ủng hộ Nga vốn đang phải chịu những lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.
Bắc Kinh rõ ràng đã quan tâm đến lợi ích lớn hơn từ mối quan hệ kinh tế với Mỹ, và chắc chắn không yên tâm về sự thành công mà một mối quan hệ quá thân thiết với Nga có thể mang lại.
Trong khi đó, quan điểm địa chính trị của Nga cũng đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Nỗ lực hội nhập với phương Tây của Nga chỉ là chuyện của quá khứ. Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng một trật tự châu lục tại một khu vực Á-Âu rộng lớn không có Mỹ.
Chắc chắn, Trung Quốc và Nga có thừa lý do để hợp tác với nhau dù không có nhân tố Mỹ, nhưng áp lực từ Washington sẽ khiến họ còn gần nhau hơn nữa.
Moskva và Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì những khác biệt, và họ không hoàn toàn bỏ qua những nỗi ám ảnh lẫn nhau, song những cơ hội để một liên minh Trung-Nga vượt lên trên những khác biệt đó sẽ bị giảm thiểu bởi chính sách ngăn chặn kép của Mỹ.
Trớ trêu thay, chính sách này cũng giải phóng những hoài nghi của giới tinh hoa cả hai nước rằng Mỹ có thể xây dựng một mối quan hệ với Trung Quốc hoặc Nga vì một trong hai bên./.