“Trừng phạt thị thực” đối với Nga: Những điều được và mất

Các biện pháp trừng phạt thị thực với Nga đã trở thành một chủ đề nóng của giới truyền thông, là đề tài thảo luận ở một loạt nước EU.
Phần Lan hạn chế thị thực với công dân Nga. (Nguồn: Twitter)

Trang mạng của Câu lạc bộ phân tích chính trị Valdai số ra mới đây đăng bài viết cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) "trừng phạt thị thực" đối với Nga là một bước tiến nữa của khối này trong việc trừng phạt Nga, song nó cũng cho thấy sự yếu kém của EU hơn là thể hiện được sức mạnh.

Các biện pháp trừng phạt thị thực đối với Nga đã trở thành một chủ đề nóng của giới truyền thông và là đề tài thảo luận ở một loạt nước EU. Đã xuất hiện một nhóm các quốc gia chia sẻ ý tưởng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc đóng cửa hoàn toàn EU đối với người Nga; trong số đó có các nước xã hội chủ nghĩa trước đây (Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia), những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây (Latvia, Litva, Estonia), các nước Bắc Âu (Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển) và Bỉ.

Họ cho rằng xã hội Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột ở Ukraine. Các quốc gia còn lại cho đến nay vẫn chưa lên tiếng hoặc đang đặt câu hỏi về ý tưởng của một lệnh cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, họ ủng hộ việc mở rộng các hạn chế đối với một số nhóm công dân Nga.

Theo quan điểm của họ, các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp lớn của Nga phải chịu trách nhiệm, trong khi phần còn lại của xã hội Nga không đáng bị cô lập khỏi EU. Trong khi đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hà Lan cho rằng cần phải dừng cho phép khách du lịch vào EU bởi phần lớn trong số họ là những người Nga giàu có, có “mối liên hệ với chế độ.”

Rõ ràng, một quyết định về lệnh cấm hoàn toàn sẽ không được đưa ra vì rất khó để đạt được sự đồng thuận trong Hội đồng EU. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta có thể chứng kiến một số quốc gia ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người Nga và một số quốc gia giảm số lượng thị thực cấp cho người Nga. Hãy thử tìm hiểu xem EU và Nga sẽ được gì và mất gì từ những diễn biến như vậy.

Đối với EU, lợi ích từ việc hạn chế thị thực chủ yếu mang tính biểu tượng. Các biện pháp trừng phạt thị thực là một phương thức được nêu lên nhằm kiềm chế Nga. Chúng có thể được coi là một tín hiệu cho thấy sẽ không có sự quay trở lại mô hình quan hệ có điều kiện trước thời điểm tháng 2/2022.

Việc duy trì giao tiếp giữa con người như trước đây không phù hợp với mối quan hệ chính trị hiện nay, có nghĩa là quan hệ giao tiếp này có thể và nên được đưa về một mẫu số chung và ở mức độ thấp nhất. Rõ ràng, những lời lêu gọi cấm thị thực hoàn toàn đối với người Nga là chủ nghĩa dân túy.

Những lời kêu gọi này chủ yếu xuất phát từ các quốc gia từng nằm trong "đội quân tiên phong" chống Nga. Tuy nhiên, những bước đi ít triệt để hơn dưới hình thức giảm số lượng thị thực và tăng thời gian xử lý hồ sơ là khá phù hợp, nó giống như một đòn trừng phạt biểu tượng khác đối với Nga cũng như một cách tự thỏa mãn về mặt đạo đức trong cuộc chiến chống lại Nga.

[EU đặt thêm rào cản đối với người Nga xin thị thực nhập cảnh]

Một điểm cộng mang tính biểu tượng khác trong mắt các nhà chức trách EU là có thể biến chuyến đi của người Nga tới EU từ một thói quen bình thường sang thành một đặc quyền khó tiếp cận. Có thể chính sách thị thực sẽ trở thành công cụ để phân biệt người Nga “tốt” và người Nga “xấu.”

Ngoại trưởng Đức lưu ý rằng lệnh cấm hoàn toàn nhập cảnh sẽ làm ảnh hưởng đến những người Nga “chỉ trích chế độ” và những người như vậy “không nên bị trừng phạt.”

Việc những nhà khoa học và những người có năng lực nhất định rời khỏi Nga chính là một phần của quá trình “chảy máu chất xám” và có thể được coi là một công cụ để “làm suy yếu chế độ.”

Một số quốc gia cho rằng khách du lịch là những công dân bình thường và nên được xếp vào nhóm những người Nga “tốt.” Còn những người Nga “xấu” là những người thuộc các cơ quan và công ty nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn, tức là tất cả những người trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ cuộc xung đột ở Ukraine hoặc liên kết với chính phủ Nga.

Những thay đổi trong chính sách thị thực sẽ được hỗ trợ thêm bởi những hạn chế không chính thức như rút một số lượng lớn các công ty khỏi Nga, cắt giảm các dự án thương mại, khoa học, văn hóa, truyền thông... Dòng người Nga đến châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế giao thông, khiến việc đi lại từ Nga đến các nước EU trở nên phức tạp hơn.

Lệnh cấm nhập cảnh vào Phần Lan hoặc Estonia sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề vì các quốc gia này là “điểm đi vào” cho các chuyến bay xa hơn hoặc chuyển tiếp đến các nước EU khác. Tuy nhiên, các nước EU chắc chắn cũng sẽ phải hứng chịu những tác động nhất định.

Các nước quá cảnh (Phần Lan và Estonia) sẽ chịu một số thiệt hại về vật chất khi mất đi số tiền mà người Nga tiêu ở đó. Thiệt hại tương tự sẽ xảy ra ở tất cả các quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế cấp thị thực. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng khách du lịch cũng đã giảm đáng kể do các hạn chế về giao thông và sự phức tạp của các giao dịch tài chính.

Một thiệt hại khác là làm “giảm quyền lực mềm” của EU, tức là khả năng tuyên truyền cho người Nga các giá trị và lối sống của họ. Tuy nhiên, trong chính EU, rõ ràng họ đã vỡ mộng từ lâu về nỗ lực gây ảnh hưởng đối với người Nga. Đại đa số người Nga không thay đổi quan điểm chính trị của mình, họ không xuống đường và không lật đổ chính phủ. Những người muốn rời đi thì đã rời đi. Hầu hết người Nga nhìn chung không đi du lịch châu Âu hoặc nước ngoài.

Điểm trừ nữa là sự gia tăng mức độ liên hệ giữa người Nga và người dân các quốc gia mà trong tương lai có thể trở thành đối thủ chính trị của EU hoặc không chia sẻ các giá trị châu Âu, chẳng hạn như Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Du khách Nga được kiểm tra hộ chiếu tại cửa khẩu ở Phần Lan. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Còn một điểm trừ khác là các biện pháp trừng phạt thị thực không có khả năng dẫn đến việc Nga thay đổi đường lối chính trị theo các yêu cầu của EU. Lập luận của EU rằng sự không hài lòng của người dân Nga do bị hạn chế các chuyến đi tới EU đang biến thành sự bất mãn với chính quyền nước này có vẻ là một điều ngây thơ.

Lợi thế đối với Nga cũng ít như đối với EU. Thành phần bảo thủ của giới tinh hoa chính trị và xã hội có thể hoan nghênh việc cắt đứt quan hệ và giảm khả năng tiếp cận với “các giá trị xa lạ,” song trên thực tế, xã hội Nga phần lớn bị ảnh hưởng từ phương Tây về lối sống, văn hóa, hành vi tiêu dùng và cơ cấu nhân khẩu học.

Bản thân việc tách khỏi châu Âu không thể làm giảm tỷ lệ ly hôn, tăng số lượng trẻ em trong các gia đình, khiến người Nga quay lưng lại với chủ nghĩa tư bản và thị trường, hoặc hướng tới các giá trị truyền thống hơn của các xã hội ở phương Đông.

Người Nga sẽ tiếp tục đọc văn hóa châu Âu, nghe nhạc, xem phim, theo dõi tin tức và giữ liên lạc với bạn bè và đồng nghiệp. May mắn thay, đại dịch COVID-19 đã đưa các cơ hội giao tiếp lên một tầm cao mới về chất lượng.

Tuy nhiên, sự gần gũi của Nga với văn hóa phương Tây không có nghĩa là đa số người Nga sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu chính trị của phương Tây, từ chối ủng hộ đường lối chính trị của đất nước và chính quyền nói chung cũng như từ bỏ việc tìm kiếm các mô hình phát triển của riêng mình.

Nga sẽ phải hứng chịu một số thiệt hại từ biện pháp trừng phạt thị thực của EU như sự xói mòn các mối quan hệ nhân đạo đã tích lũy, thu hẹp cơ hội nhận được nền giáo dục ở EU, gần như không thể thực hiện các chuyến công tác và trao đổi khoa học. Tuy nhiên, người Nga vẫn có nhiều cơ hội để đi du lịch các nước ngoài bên ngoài EU.

Các biện pháp cô lập của EU không đóng lại các cơ hội của người Nga trong các lĩnh vực khác mà thậm chí còn kích thích sự mở rộng chúng. Nga không có lý do gì để coi các hạn chế về thị thực là một mối đe dọa nghiêm trọng và càng không có lý do để nhượng bộ Brussels.

Hơn nữa, Nga có thể từ bỏ nguyên tắc "ăn miếng trả miếng" trong vấn đề này và không cứng rắn với việc cung cấp thị thực. Sự cởi mở cho các công dân EU đến Nga để học tập, kinh doanh hoặc du lịch, bất chấp sự xói mòn của các mối quan hệ chính trị, sẽ là một dấu hiệu của sự trưởng thành và sức mạnh.

Nga nên duy trì mối quan hệ nhân văn và nhân đạo với cả châu Âu “cũ” và “mới,” bất chấp chủ nghĩa dân túy của giới tinh hoa chính trị nước ngoài. Những tiếng nói chống Nga càng lớn, nhu cầu tiếp nhận những công dân bình thường của các nước EU tới Nga càng lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục