Trung Quốc cấm các dự án gây ô nhiễm không khí ở 3 thành phố

Do không đạt các mục tiêu chất lượng không khí, ngày 3/5, Trung Quốc yêu cầu ba thành phố ngừng cấp phép cho các dự mới có thể làm tăng mức độ ô nhiễm không khí.
Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang để tránh ô nhiễm không khí. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi không đạt được các mục tiêu về chất lượng không khí trong mùa Đông vừa qua, ngày 3/5, Trung Quốc đã yêu cầu ba thành phố Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc, Tấn Thành và Dương Tuyền ở tỉnh Sơn Tây nước này ngừng cấp phép cho những dự án mới có thể làm tăng mức độ ô nhiễm không khí.

Các thành phố này không đạt được mục tiêu giảm mật độ các hạt bụi mịn gây ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp như PM2.5 trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng Ba vừa qua.

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã yêu cầu ba thành phố đưa ra một kế hoạch chi tiết nhằm điều chỉnh tình hình và nộp lên bộ này trong vòng 20 ngày.

Thị trưởng Hàm Đan Vương Lễ Thông cho biết mặc dù thành phố này đã ra lệnh giảm lượng xe cộ lưu thông, giảm sản lượng công nghiệp và lượng than sử dụng song chỉ giảm được 15,7% mật độ hạt PM2.5 trong không khí, không đạt mục tiêu 20%.

Theo quan chức trên, thành phố đang có kế hoạch cắt giảm công suất sản xuất thép xuống thêm 300.000 tấn, giảm lượng than 1,1 triệu tấn và giảm công suất điện 268 megawatt vào tháng Tám tới.

[Trung Quốc lần đầu xếp hạng chỉ số phát triển xanh các địa phương]

Thị trưởng Vương Lễ Thông cho biết thêm đã sa thải ba cán bộ và cảnh cáo 14 người liên quan đến các chính sách về môi trường.

Trong khi đó, Thị trưởng Tấn Thành Lưu Phong khẳng định thành phố chuyên sản xuất khí và than này sẽ hy sinh các lợi ích kinh tế để giảm ô nhiễm không khí, cho biết GDP của thành phố đã giảm 9% do giảm các hoạt động sản xuất trong quý 1 vừa qua trong khi đầu tư vào thành phố đã giảm tới 41%.

Trung Quốc bắt đầu chiến dịch giảm ô nhiễm không khí từ tháng 10/2017 với mục tiêu giảm trung bình từ 10-25% mật độ hạt PM2.5 ở 28 thành phố miền Bắc.

Hạt bụi PM2.5 chứa các chất gây ô nhiễm như sulfate, nitrate và carbon đen, là mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe con người.

Theo báo cáo của WHO, ô nhiễm không khí là một trong những nhân tố có nguy cơ rất cao dẫn tới các bệnh không truyền nhiễm (NCD).

Cũng theo báo cáo này, kể từ năm 2016, hơn 1.000 thành phố đã được bổ sung vào danh sách những quốc gia đang đánh giá và thực hiện các biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm không khí của WHO.

Số liệu của WHO còn cho biết cứ 10 người trên thế giới có chín người phải hít thở không khí có chứa các hạt bụi ô nhiễm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục