Trung Quốc cảnh báo việc trừng phạt Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa

Trung Quốc cảnh báo việc áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa, nhấn mạnh giải pháp ngoại giao là cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng.
Trung Quốc cảnh báo việc trừng phạt Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 31/8, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về những lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên, nhấn mạnh rằng giải pháp ngoại giao là cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng sau khi Bình Nhưỡng mới đây một tên lửa bay qua Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định chỉ áp đặt trừng phạt sẽ "không giải quyết được vấn đề này một cách cơ bản" đồng thời cảnh báo "một số nước đã phớt lờ các yêu cầu đối thoại trong nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, mà chỉ chú trọng áp đặt các biện pháp trừng phạt."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh có tin Nhật Bản, Mỹ và Anh đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nhập khẩu dầu mỏ của Triều Tiên và người lao động Triều Tiên ở nước ngoài.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, những lời kêu gọi và những động thái này "có vai trò hủy diệt thay vì vai trò xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên."

[Anh và Nhật Bản nhất trí đẩy nhanh các lệnh trừng phạt Triều Tiên]

Bà cũng nhấn mạnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay "không phải là một trò chơi trên máy tính, mà là tình hình thực tế tác động trực tiếp đến an ninh của người dân trên bán đảo cũng như hòa bình khu vực."

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết nước này và Mỹ sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mới nhằm ngăn chặn các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Thủ tướng Anh Theresa May đang thăm Nhật Bản cũng đưa ra lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên.

Cùng ngày, ngoại trưởng và các quan chức cấp cao của 36 nước Đông Á và Mỹ Latinh nhóm họp tại thành phố Busan của Hàn Quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), ngoại trưởng các nước thành viên FEALAC "bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 29/8 vừa qua cũng như các hành động khiêu khích trước đó của nước này."

Tuyên bố nêu rõ, các nước thành viên FEALAC tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến Triều Tiên, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với "Sáng kiến Berlin" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm kiến tạo một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Diễn đàn do Hàn Quốc chủ trì với sự tham gia của ngoại trưởng và thứ trưởng ngoại giao đến từ 36 nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cuba, Argentina, Brazil, Chile, Mexico, Peru và Ecuador.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cùng ngày thông báo nước này và Mỹ đã kết thúc cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG).”

Triều Tiên coi các cuộc tập trận chung thường niên này là hành động chuẩn bị xâm lược mang tính khiêu khích cao, và luôn đe dọa đáp trả bằng các hành động quân sự mạnh mẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.