Trung Quốc chú trọng phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng

Trung Quốc xác định công nghệ lưu trữ năng lượng là một trong những lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quan trọng để giải quyết tình trạng lãng phí năng lượng sạch.
Trung Quốc chú trọng phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những năm gần đây, cuộc chạy đua xây dựng các nhà máy điện gió và điện Mặt Trời tại các địa phương ở miền Bắc Trung Quốc đã và đang dẫn tới tình trạng phát triển quá đà.

Lượng điện sạch sản xuất ra vượt xa nhu cầu tiêu thụ của địa phương, trong khi lại thiếu hụt mạng lưới truyền tải điện hoặc không khả thi về mặt kinh tế. Nhằm góp phần giải quyết vấn đề nêu trên, Trung Quốc xác định công nghệ lưu trữ năng lượng là một trong những lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quan trọng.

Số liệu của Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) năm 2017 cho thấy nước này đã lãng phí 11,8% tổng sản lượng điện gió, tương đương với 419 Terawat giờ (TWh) và 6% tổng sản lượng điện Mặt Trời, tương đương với 73 TWh.

Tỷ lệ lãng phí các nguồn điện sạch của Trung Quốc hiện ở mức quá cao so với Mỹ và Tây Âu. Hai yếu tố “cung-cầu” trong lĩnh vực phát triển điện sạch ở Trung Quốc thường xuyên trong tình trạng không cân bằng và không hài hòa…


[Costa Rica đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo]

Chẳng hạn, công suất phát điện của các cơ sở điện gió và điện Mặt Trời ở Trương Gia Khẩu (thuộc tỉnh Hà Bắc) lớn gấp 4 lần so với năng lực truyền tải của mạng lưới điện địa phương. Vì vậy, phát triển các công nghệ lưu trữ điện sạch là một trong những yêu cầu tất yếu nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển bền vững của các nguồn năng lượng sạch.

Theo chuyên gia, các công nghệ lưu trữ năng lượng không chỉ giúp khắc phục hiệu quả tình trạng lãng phí điện sạch mà còn cải thiện năng lực cung ứng điện trong giờ cao điểm cũng như khắc phục điểm yếu cố hữu của điện gió và điện Mặt Trời là phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện tự nhiên như thời gian chiếu sáng và thời tiết.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ lưu trữ năng lượng hiện đại, Trung Quốc cũng đã tận dụng thành công nguồn ắc quy thải loại từ các phương tiện giao thông như ôtô, xe máy… để phục vụ hoạt động lưu trữ điện sạch.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều đột phá lớn về giá thành sản xuất các sản phẩm tích trữ điện năng quan trọng như pin Lithium-ion, ắc quy Pb-C, pin lỏng, pin Na-S, siêu tụ điện, lưu trữ năng lượng khí nén siêu hạn…

Hiện nay, lĩnh vực công nghệ lưu trữ năng lượng của Trung Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn công nghiệp hóa trên quy mô lớn. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo; tạo đột phá về quy mô thị trường, lĩnh vực ứng dụng và kỹ thuật then chốt của công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.