"Trung Quốc có thể sẽ chế tạo hai tàu sân bay lớn cùng lúc"

Tàu sân bay mới có trọng tải lớn hơn tàu Liêu Ninh, môi trường ăn ở trên tàu cũng được cải thiện đáng kể và tàu có thể mang theo nhiều trang bị vũ khí cũng như nhiên liệu hàng không hơn.
"Trung Quốc có thể sẽ chế tạo hai tàu sân bay lớn cùng lúc" ảnh 1Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Theo mạng Nhân dân ngày 4/1, sau khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận nước này đang tự triển khai thiết kế và chế tạo tàu sân bay thứ hai có lượng rẽ nước khoảng 50.000 tấn, chuyên gia quân sự của Trung Quốc Doãn Trác cho rằng rút kinh nghiệm từ tàu Liêu Ninh, và lấy tàu Liêu Ninh làm cơ sở, Bắc Kinh từng bước chế tạo tàu sân bay lớn hơn, tiên tiến hơn.

Tàu sân bay mới này áp dụng những lý thuyết chế tạo tàu tiên tiến, có trọng tải lớn hơn tàu Liêu Ninh, môi trường ăn ở trên tàu cũng được cải thiện đáng kể và tàu có thể mang theo nhiều trang bị vũ khí cũng như nhiên liệu hàng không hơn.

Theo chuyên gia này, kỹ thuật cất cánh và ném bom của máy bay chiến đấu trên tàu sân bay (được thiết kế để hoạt động ở tàu sân bay) là xu thế tất yếu trong phát triển tàu sân bay và Trung Quốc không gặp bất kỳ vấn đề nan giải nào về kỹ thuật.

Về động cơ của tàu sân bay mới, chuyên gia quân sự Lý Lợi cho biết tàu sân bay mới áp dụng động cơ thông thường vì đây là phương thức tương đối ổn thỏa về kỹ thuật.

Trong hải quân Trung Quốc, chỉ có tàu ngầm sử dụng động cơ hạt nhân và việc động cơ hạt nhân của tàu ngầm có thể cung cấp đủ động lực cho tàu sân bay hay không vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Theo chuyên gia này, đối với tàu sân bay có cùng tải trọng của nước ngoài, để chế tạo xong một tàu sân bay 50.000 tấn cần khoảng 3 năm, tuy nhiên để tàu sân bay từ khi được hạ thủy cho tới khi hình thành năng lực tác chiến thực sự vẫn cần một khoảng thời gian tương đối dài.

Việc thử nghiệm, điều chỉnh tính năng của vũ khí trang bị và thiết bị sau khi hạ thủy mất khoảng 2 năm, từ lúc hoàn thành lắp đặt đến thử nghiệm ở biển cần 1 năm.

Chuyên gia Lý Lợi cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh đã hoạt động được 3 năm, và nhờ rất nhiều thử nghiệm cũng như tìm tòi giai đoạn đầu trong 3 năm qua, Trung Quốc đã có năng lực lấy chế tạo tàu sân bay cùng tải trọng làm khởi điểm, đồng thời nghiên cứu chế tạo tàu sân bay cao cấp hơn và phương thức này tương đối kinh tế.

Cho rằng chu kỳ nghiên cứu chế tạo tàu sân bay mất nhiều thời gian, và nếu đóng xong tàu sân bay này mới chế tạo tiếp tàu sân bay khác thì rất nhiều hạng mục thiết kế trước đó có khả năng sẽ lỗi thời, vì vậy có thể Trung Quốc sẽ tiến hành chế tạo hai tàu sân bay cùng lúc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.