Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh chính sách với Hong Kong

Chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố “hai chế độ” trong thể thức hậu chuyển giao đối với Đặc khu Hành chính Hong Kong.
Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh chính sách với Hong Kong ảnh 1Cảnh sát được triển khai ngăn chặn người biểu tình chủ trương chiếm lại Mongkok ngày 19/10. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 7/11, một nguồn thạo tin nói rằng chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố “hai chế độ” trong thể thức hậu chuyển giao đối với Đặc khu Hành chính Hong Kong, trong khi cũng nhấn mạnh khía cạnh “một nước” của vùng lãnh thổ này sau làn sóng biểu tình “Chiếm Trung tâm” hiện đang diễn ra.

 

Quan chức Trung Quốc Đại lục giấu tên nói rằng Bắc Kinh sẽ tiến hành “những điều chỉnh hợp lý” trong chính sách của họ đối với Hong Kong. Nhấn mạnh rằng giới thanh niên đã tạo nên sức mạnh trụ cột của các cuộc biểu tình “Chiếm Trung tâm,” quan chức này cho biết Bắc Kinh muốn nâng cao sự hiểu biết của giới trẻ Hong Kong về lịch sử và sự phát triển của đất nước Trung Quốc.

 

Nguồn tin này nói: “Chính quyền Trung ương giờ đây đang coi trọng vấn đề Hong Kong hơn và sẽ thực hiện những điều chỉnh hợp lý trong chính sách của họ đối với thành phố này”. Nói về công thức “một nước hai chế độ,” quan chức này nhận định: “Chúng ta cần nhấn mạnh nhiều hơn vào ‘một nước’ trong khi quan tâm chú ý nhiều hơn đến những sự khác biệt giữa ‘hai chế độ’.”

 

Tuy nhiên, quan chức này không cung cấp thêm chi tiết về việc điều này sẽ được thực hiện như thế nào mà chỉ khẳng định các cuộc biểu tình đã đạt được mục tiêu của giới sinh viên là khiến Bắc Kinh lắng nghe tiếng nói của họ và giờ đây họ nên chấm dứt hành động biểu tình của mình càng sớm càng tốt.

 

Mặc dù quan chức trên nói rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ khuôn khổ nghiêm ngặt mà họ đã đặt ra cho cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong năm 2017 – nguyên nhân làm bùng phát làn sóng biểu tình cách đây gần 6 tuần – nhưng những phát biểu của ông này được đánh giá là một sự đổi mới.

 

Vào năm 2012, chính quyền Hong Kong đã phải gác lại kế hoạch giáo dục bắt buộc trong các trường tiểu học và trung học sau khi vấp phải sự phản đối dữ dội từ những người có quan điểm chỉ trích – những người coi đó là một nỗ lực nhằm “tẩy não” các học sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.