Trung Quốc đánh bại Mỹ khi nắm phần thắng trong tay ở châu Á?

Trung Quốc đánh bại Mỹ khi nắm phần thắng trong tay ở châu Á

Nếu Bắc Kinh tập trung vào ASEAN và RCEP, còn Washington tập trung vào Australia và AUKUS, khi đó Bắc Kinh sẽ nắm phần thắng trong tay.
Trung Quốc đánh bại Mỹ khi nắm phần thắng trong tay ở châu Á ảnh 1Cờ Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images/AFP)

Trang mạng foreignpolicy.com, những thỏa thuận về tàu ngầm mang tính chất bí mật, song những thỏa thuận về thương mại còn bí mật và ngầm hơn; tuy nhiên, cả hai đều tạo ra sự đảm bảo an ninh.

Nếu như tàu ngầm đem lại sự đảm bảo an ninh nhờ cung cấp khả năng răn đe và ngăn chặn thì thương mại tạo ra sự đảm bảo an ninh nhờ sự phụ thuộc lẫn nhau.

Thế nhưng, đảm bảo an ninh thông qua hợp tác thương mại lại bền vững hơn.
Người ta có thể dễ dàng quay lưng lại với những thỏa thuận tàu ngầm như trường hợp của Pháp trong năm 2021, khi Paris mất đi hợp đồng được ký kết từ lâu với Australia về xây dựng hạm đội tàu ngầm tấn công cho Canberra.

Trong khi đó, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, vốn được thiết lập thông qua các thỏa thuận thương mại, lại khó có thể phân tách hơn. Điều này được minh chứng bằng việc chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump không thể tách Mỹ ra khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và đã phải tái đàm phán để ký kết một thỏa thuận mới.

Sự tương phản nói trên cho thấy sự khác biệt giữa cuộc đấu ngắn hạn mà Washington đang tiến hành ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cuộc đấu dài hạn mà Bắc Kinh đang phô trương ở khu vực này.

Mỹ đang đặt cược vào thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS mà nước này ký kết với Anh và Australia; trong đó, một điểm chính trong thỏa thuận này là việc Washington cam kết sẽ cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.

[Kế sách đối phó lâu dài của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại]

Trong khi đó, Trung Quốc đang đặt cược vào việc phát huy lợi thế của những thỏa thuận thương mại để thu phục và lôi kéo các quốc gia láng giềng, đặc biệt là những nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cách tiếp cận của Washington đã đúng ở một thời điểm nào đó trong quá khứ. Nhìn tổng thể, ba thành viên của AUKUS có mối quan hệ và kết nối chặt chẽ, và phần lớn đều cùng chung chí hướng. Trong khi đó, ASEAN giống như một bộ y phục cũ nát và khó có thể quản lý những cuộc khủng hoảng xảy ra ở những nước thành viên như Myanmar.

Khối này cũng đang phải vật lộn để tìm ra cách ứng phó thống nhất đối với cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN cũng "bất lực" trong việc hạ nhiệt tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đông tranh chấp. Tuy nhiên, nếu ASEAN quá mềm yếu để có thể áp đặt ý chí tập thể đối với những thành viên của chính mình, chứ không nói đến các nước khác, chính sự mềm yếu đó lại là sức mạnh của khối, cho phép ASEAN thiết lập sự tin cậy ở trong và ngoài khu vực.

Theo ghi nhận của tác giả bài viết Kishore Mahbubani, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, bước đột phá lớn mà ASEAN đã thực hiện được là thiết lập được mối can dự và hợp tác lớn hơn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù cả Tokyo và Seoul đều là đồng minh của Mỹ, song Washington lại không thể thuyết phục được hai đồng minh của mình "nói chuyện với nhau."

Trong những năm gần đây, cả Tokyo và Seoul đều không tiến hành bất kỳ cuộc tham vấn nào cũng như không đạt được bất kỳ đồng thuận nào. Vậy mà bất chấp thực tế này, ASEAN lại có thể thuyết phục được 2 quốc gia láng giềng Đông Á này ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với khối (và với cả Trung Quốc).

Đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 2020. Sự hội nhập kinh tế của 3 nền kinh tế hùng mạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tạo ra phần lớn động lực phát triển kinh tế cho RCEP. Như vậy, chính ASEAN đã đạt được kết quả kỳ diệu song ít được biết đến này.

Trung Quốc đánh bại Mỹ khi nắm phần thắng trong tay ở châu Á ảnh 2Chủ Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến, tại Bắc Kinh, ngày 22/11 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giờ là lúc Washington cần tiến hành một cuộc thử nghiệm đơn giản về đếm số từ. Nhiệm vụ là Mỹ cần đếm xem từ nào xuất hiện nhiều nhất trong các bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Llloyd Austin và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan: ASEAN và tên của các nước thành viên ASEAN hay Australia. Câu trả lời sẽ là Australia. Thiện cảm của Washington dành cho Australia xuất phát từ thực tâm và mối quan ngại của Washington đối với Canberra xuất phát từ lòng chân thành.

Mối quan hệ này đã trải qua cả một chặng đường dài và đóng vai trò quan trọng để đi đến việc ký kết AUKUS cũng như giải thích cho sự ra đời của AUKUS. Thế nhưng, địa chính trị cũng là một cuộc cạnh tranh thảm khốc khi những mối quan hệ và thiện chí giữa các nước tạo ra tình thế có lợi hoặc bất lợi mang tính cạnh tranh.

Nếu Bắc Kinh tập trung vào ASEAN và RCEP, còn Washington tập trung vào Australia và AUKUS, khi đó Bắc Kinh sẽ nắm phần thắng trong tay. Vì sao? Vì cuộc đấu lớn ở đây là ván cờ kinh tế chứ không phải là ván cờ quân sự. Năm 2000, tổng trao đổi thương mại của Mỹ với ASEAN đạt 135 tỷ USD, hơn 3 lần so với tổng trao đổi thương mại trị giá 40 tỷ USD giữa Trung Quốc và khối này.

Đến năm 2020, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với ASEAN đạt 685 tỷ USD, gần như gấp đôi con số của Mỹ với ASEAN là 362 tỷ USD. Washington vẫn coi Nhật Bản là một siêu cường kinh tế. Hồi năm 2000, kinh tế Nhật Bản có quy mô lớn gấp 8 lần so với quy mô kinh tế của ASEAN. Tuy nhiên, đến năm 2020, quy mô kinh tế của Nhật Bản chỉ lớn gấp 1,5 lần so với quy mô kinh tế của ASEAN. Dự kiến đến năm 2030, quy mô kinh tế của Nhật Bản sẽ nhỏ hơn quy mô kinh tế của ASEAN.

Trung Quốc can dự với ASEAN trên phạm vi rộng lớn và với mức độ sâu rộng. Minh chứng là Trung Quốc đang hỗ trợ Indonesia, Lào, Malaysia và Thái Lan xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù Bắc Kinh và Hà Nội vẫn hoài nghi lẫn nhau song Trung Quốc cũng đang xây dựng một hệ thống đường xe điện ngầm ở Hà Nội. Khi các quốc gia Đông Nam Á "khát" vaccine ngừa COVID-19, Bắc Kinh đã nhanh chóng chuyển giao những lô vaccine của mình đến trước cả các lô vaccine mà Mỹ và phương Tây hỗ trợ.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã biểu lộ cảm xúc vui mừng khi được tiêm vaccine của Trung Quốc. Chắc chắc, quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN vẫn phức tạp và đối mặt với những thách thức. Thế nhưng, không thể phủ nhận mức độ và phạm vi của những nỗ lực hợp tác giữa Bắc Kinh và các quốc gia thành viên ASEAN.

Trung Quốc đánh bại Mỹ khi nắm phần thắng trong tay ở châu Á ảnh 3Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Nguồn: suara.com)

Và mối quan hệ kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi câu chuyện tăng trưởng kinh tế thần kỳ của ASEAN mới chỉ đang bắt đầu. Không ít nền kinh tế khu vực đang tận dụng thời điểm "vàng" này để trở thành những nước tầm trung. Một chỉ dấu hàng đầu cho điều này là trong năm 2020, nền kinh tế số của ASEAN đạt doanh thu khoảng 170 tỷ USD. Đến năm 2030, con số này có thể đạt 1.000 tỷ USD.

Sự bùng nổ mạnh mẽ của nền kinh tế số trong khu vực sẽ tạo ra những mạng lưới mới trong đó các nước sẽ ngày càng phụ thuộc vào nhau về kinh tế, củng cố hơn nữa hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau với quy mô lớn vốn đang phát triển trong khu vực.

Khi đó, đây sẽ là sự lựa chọn chiến lược mà Washington phải đối mặt: Tập trung vào việc bán tàu ngầm cho Australia hay vượt đại dương để ký kết những thỏa thuận thương mại tự do với các nước Đông Nam Á và Đông Á. Mấu chốt để Mỹ khởi động bước đi đầu tiên sẽ nằm ở Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phải thừa nhận rằng TPP là kết quả mà các nhà đàm phán tài năng của Mỹ đem lại và là một thỏa thuận thực sự khác biệt với những tiêu chuẩn cao. Sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP năm 2017, phiên bản CPTPP vẫn dựa trên những nội dung cơ bản của TPP. Thế nhưng, giờ đây, Mỹ thậm chí còn không thể nghĩ đến khả năng tái gia nhập thỏa thuận này. Ngược lại, Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập CPTPP.

Câu hỏi cuối cùng là liệu Washington có thể tham gia trở lại ván cờ kinh tế lớn của châu Á hay không? Câu trả lời là có. Mỹ vẫn có một số lợi thế nhất định. Ngay cả khi kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN vượt xa so với Mỹ, đầu tư tư nhân của Mỹ vào khu vực ASEAN lại áp đảo con số đó của Trung Quốc.

Xét đến tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực ASEAN, Washington cần sáng tạo hơn trong việc hoạch định những chính sách thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Mỹ vào ASEAN, tận dụng lợi thế mà tình cảm và thiện chí to lớn của các nước ASEAN trao cho Mỹ.

Nói tóm lại, Washington không nên tập trung vào thương vụ tàu ngầm mà cần tập trung vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư và tăng cường thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cuộc chơi nằm ở vấn đề kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.