Trung Quốc: Dự luật của Mỹ "thể hiện tâm lý thời Chiến tranh Lạnh"

Thượng viện Mỹ ngày 8/6 đã thông qua dự luật cho phép cấp ngân sách khoảng 190 tỷ USD để tăng cường công tác nghiên cứu, qua đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ với công nghệ Trung Quốc.
Trung Quốc: Dự luật của Mỹ "thể hiện tâm lý thời Chiến tranh Lạnh" ảnh 1Một kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, Quốc hội Trung Quốc ngày 9/6 đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ dự luật của Mỹ nhằm chống lại các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Ủy ban đối ngoại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC - Quốc hội) Trung Quốc cho rằng dự luật nói trên của Mỹ thể hiện tâm lý thời Chiến tranh Lạnh, bôi nhọ các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời can thiệp các vấn đề nội bộ nước này.

Thượng viện Mỹ ngày 8/6 cũng đã thông qua dự luật nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nước này với công nghệ Trung Quốc.

Dự luật được lưỡng đảng ủng hộ này cho phép cấp ngân sách khoảng 190 tỷ USD để tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Mỹ, cùng khoản chi riêng 54 tỷ USD để các doanh nghiệp Mỹ tăng cường nghiên cứu, sản xuất thiết bị bán dẫn và viễn thông.

Trong khoản chi riêng này, Chính phủ Mỹ dành riêng 2 tỷ USD cho sản xuất chip bán dẫn phục vụ cho ngành chế tạo và lắp ráp ôtô.

[Mỹ ngăn chặn cạnh tranh không công bằng, bảo vệ doanh nghiệp nội địa]

Theo lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, dự luật này là khoản đầu tư lớn nhất của chính phủ dành cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ cho các thế hệ tới. 

Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành thảo luận và ghép dự luật trên với một dự luật khác mà cơ quan lập pháp này đã thông qua trước đó thành một dự luật duy nhất để trình lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Hôm 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký sắc lệnh cấm đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc, mở rộng so với danh sách 31 công ty dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, với lý do "lo ngại về nguy cơ theo dõi công nghệ" từ Bắc Kinh.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực kể từ ngày 2/8 và các nhà đầu tư hiện tại vào các công ty trên sẽ có 2 năm để rút lui./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.