Ngày 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác vaccine với Indonesia, giúp đảo quốc này xây dựng một trung tâm sản xuất vaccine tầm cỡ khu vực.
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định hai nước chia sẻ quan điểm phản đối "chủ nghĩa dân tộc vaccine".
Trong một diễn biến khác, Indonesia đã cho phép các hãng dược phẩm tư nhân tham gia nghiên cứu bào chế vaccine. Trước đó, cũng trong tháng này, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (BPOM) của Indonesia đã không cho phép thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nusantara do hãng dược địa phương Rama Emerald Multi Sukses phối hợp với công ty sinh dược Aivita của Mỹ nghiên cứu, do các công ty trên không nộp đủ dữ liệu yêu cầu của cuộc thử nghiệm giai đoạn 1.
[Dịch COVID-19: Indonesia kéo dài lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng]
Người đứng đầu BPOM Penny Lukito cho biết Bộ Y tế Indonesia đã ký bản ghi nhớ với BPOM và quân đội để cho phép các hãng dược tư nhân thực hiện những nghiên cứu và thử nghiệm vaccine nói trên ở Bệnh viện Quân y Gatot Subroto tại thủ đô Jakarta, thuộc thẩm quyền giám sát và quản lý của Bộ Y tế nước này.
BPOM đang chịu nhiều sức ép trong nước đối với việc đẩy nhanh thử nghiệm vaccine nói trên trog bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Một số nghị sỹ thậm chí đã tự nguyện cung cấp mẫu máu và tham gia nghiên cứu này để bày tỏ sự ủng hộ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại điều này sẽ tạo tiền lệ xấu cho các hãng dược toàn cầu tìm kiếm cơ hội để các loại dược phẩm của họ được kiểm duyệt nhanh.
Vaccine Nusantara sử dụng phương pháp tế bào đuôi gai phổ biến trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư và dựa trên các tế bào miễn dịch có trong máu của bệnh nhân. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy có 70% trong số 28 người tham gia thử nghiệm xuất hiện các tác dụng phụ như tăng nồng độ cholesterol, tăng urea nitrogen trong máu.../.