Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy nước này sẵn sàng làm việc với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để giải quyết các tranh chấp thương mại.
Trong một bức thư gửi Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc ngày 12/12, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ quan điểm rằng hai bên nên ưu tiên đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác cùng có lợi thay vì một cuộc chơi mà một bên thắng, bên kia thua. Đồng thời, ông nhắc lại cam kết sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.
Những nội dung này nhắc lại bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc tại cuộc gặp với người đứng đầu các tổ chức kinh tế quốc tế lớn trong ngày 10/12.
Tại cuộc gặp này, ông cho rằng không có bên nào thắng trong các cuộc chiến thuế quan, chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ. Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi cả hai bên duy trì đối thoại và giải quyết những bất đồng.
Ông Trump, người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025, đã tuyên bố kế hoạch áp thêm 10% thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe dọa sẽ áp thuế hơn 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các hạn chế rộng hơn đối với xuất khẩu chip nhớ tiên tiến và máy móc sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu một số kim loại hiếm được sử dụng trong chất bán dẫn và các ứng dụng quân sự.
Theo ông Daniel Balazs, nhà nghiên cứu tại trường S. Rajaratnam School of International Studies, Trung Quốc đã thể hiện rõ rằng họ sẽ không lùi bước trước sức ép của Mỹ, nếu điều đó xảy ra, bất chấp cam kết tăng trưởng và duy trì quan hệ thương mại mang tính xây dựng.
Đầu tuần này, các nhà quản lý thị trường Trung Quốc thông báo đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Nvidia, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ.
Tập đoàn đã bị cấm vận chuyển các loại chip tiên tiến nhất của họ sang Trung Quốc, nhưng doanh số bán chip và bộ xử lý kém tiên tiến hơn cho các công ty Trung Quốc vẫn chiếm 15% doanh thu trong quý III.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cả hai bên có nhiều khả năng cố gắng đạt được một thỏa thuận thông qua đàm phán, thay vì áp dụng mạnh mẽ các loại thuế quan nặng nề.
Ông Sam Radwan, Chủ tịch công ty tư vấn Enhance International, cho rằng có thể một số biện pháp thuế quan sẽ áp dụng, nhưng sẽ không có gì đột ngột, quá lớn hoặc gây gián đoạn.
Xuất khẩu được coi là một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc, khi các công ty tăng cường vận chuyển hàng hóa sang Mỹ trước khi các mức thuế quan cao hơn có hiệu lực. Tuy nhiên, một khi các mức thuế mạnh hơn được thực thi, xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với sự chậm lại.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã duy trì liên lạc chặt chẽ với đối tác Mỹ và sẵn sàng tiếp tục liên lạc với các quan chức kinh tế và thương mại sắp tới dưới thời chính quyền ông Trump.
Ông Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Teneo, cho rằng mặc dù Chính phủ Trung Quốc đang thể hiện sự sẵn sàng đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump sắp tới, song điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẵn sàng nhượng bộ theo yêu cầu của ông Trump./.
Nguy cơ căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang
Ứng viên tổng thống Donald Trump đề xuất mức thuế lên đến 60% với hàng hóa từ Trung Quốc để thúc đẩy sản xuất nội địa; còn bà Harris cũng có kế hoạch áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn.