Ngay sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế La Hay tuyên bố phán quyết vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, hôm 12/7, Báo “Thương Gia,” một trang báo có lượng độc giả đông đảo ở Nga, đã có bài viết với nhan đề: “Trung Quốc không có 'quyền lịch sử' đối với vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông.”
Theo bài viết, Tòa án Thường trực Trọng tài ở La Hay đã đưa ra quyết định cuối cùng về đơn kiện của Philippines phản đối Trung Quốc liên quan những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo phán quyết này, Trung Quốc không thể tuyên bố đặc quyền kinh tế tại khu vực quần đảo Trường Sa và không có “quyền lịch sử” đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa án. Về phần mình, Philippines kêu gọi “kiềm chế” ở Biển Đông.
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã có tranh chấp chủ quyền một số đảo ở Biển Đông, vùng lãnh thổ ngoài khơi có trữ lượng dầu khí đáng kể, với nhiều quốc gia trong khu vực như Philippines, Brunei, Việt Nam và Malaysia. Đó chính là các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough.
Vào cuối năm 2013, Trung Quốc còn tiến hành xây dựng và bồi đắp các hòn đảo nhân tạo, cũng như nhiều cơ sở vật chất trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những động thái này cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực tiếp giáp chiến lược quan trọng với Eo biển Malacca, bởi hiện đang có khoảng 60% giao dịch thương mại của Trung Quốc và có tới 80% nhập khẩu than của Trung Quốc đi qua con đường này.
Hồi tháng 1/2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài ở La Hay đề nghị giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Chính phủ Trung Quốc ban đầu từ chối tham gia tố tụng với lý do một tuyên bố đơn phương là bất hợp pháp và tòa án không có thẩm quyền xét xử vấn đề này vì nó liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Về phần mình, đại diện Philippines nói rằng nước này đã nhiều lần nỗ lực giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua đàm phán song phương nhưng đều thất bại, buộc họ phải kêu gọi sự giúp đỡ của Tòa Trọng tài.
Đến tháng 10/2015 thì Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay thông qua quyết định rằng họ hoàn toàn có thẩm quyền xét xử vụ án./.