Trung Quốc không tham gia đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, dù không tham gia vào các cuộc đàm phán ba bên song điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không tham gia vào các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Trung Quốc không tham gia đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/6 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tiếp tục tái khẳng định lập trường không thay đổi của Chính phủ Trung Quốc là không tham gia cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên với Mỹ và Nga.

Phát biểu trên là lời đáp lại những bình luận của đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí ngày 9/6 kêu gọi Trung Quốc cân nhắc lại việc tham gia quá trình đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên.

Theo người phát ngôn Hoa Xuân Oánh, năng lực hạt nhân của Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ hay Nga và đây không phải là thời điểm thích hợp để nước này tham gia vào các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân.

[Nga và Mỹ nhất trí về thời điểm đàm phán kiểm soát vũ khí]

Những nước sở hữu các kho vũ khí hạt nhân lớn nhất như Mỹ và Nga phải có trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên cao đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Xét tình hình hiện tại, Mỹ cần hồi đáp một cách tích cực với lời kêu gọi của Nga về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) và tiếp tục giảm mạnh hơn nữa kho dự trữ vũ khí hạt nhân, tạo điều kiện để các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác tham gia đàm phán giải trừ hạt nhân đa phương.

Cũng theo người phát ngôn này, mặc dù không tham gia vào các cuộc đàm phán ba bên song điều này không có nghĩa là Trung Quốc không tham gia vào các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Dự kiến ngày 22/6, Mỹ và Nga sẽ khởi động lại cuộc đàm phán về việc mở rộng New START tại Vienna (Áo). Đây vốn là hiệp ước đàm phán và ký kết dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2010 và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.

New START có thể được gia hạn nhiều nhất 5 năm nếu có sự đồng ý của cả hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.