Trung Quốc kiên quyết phản đối Đạo luật Khoa học và CHIP của Mỹ

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ sự phản đối Đạo luật Khoa học và CHIP của Mỹ và cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nước này.
Trung Quốc kiên quyết phản đối Đạo luật Khoa học và CHIP của Mỹ ảnh 1Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting. (Ảnh: CFP)

Ngày 18/8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối Đạo luật Khoa học và CHIP của Mỹ, cho rằng văn kiện này có các điều khoản hạn chế các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư bình thường của các công ty liên quan ở Trung Quốc, cũng như sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thương mại quốc tế. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting cho rằng luật trên của Mỹ nên được thực hiện phù hợp với các quy tắc liên quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các nguyên tắc cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử, đồng thời có lợi cho việc duy trì an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Bà Shu Jueting cũng cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối đạo luật trên và sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nước này nếu cần thiết.

[Bloomberg: Mỹ thay đổi chiến lược cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc]

Theo Đạo luật Khoa học và CHIP, Mỹ sẽ dành 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học.

Trong số này, 52 tỷ USD sẽ dành riêng cho ngành sản xuất chip, trong đó 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho "các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất" để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn.

Số tiền này sẽ được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026.

Đạo luật này được thông qua đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, khi các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đánh giá luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh trạnh kinh tế với Trung Quốc, cũng như tăng cường an ninh quốc gia./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.