Đại hội thể thao thế giới (Olympic) 2016 đã khép màn. Các đoàn thể thao từ các quốc gia và vùng lãnh thổ rời Rio de Janeiro với những niềm vui mừng và phấn khích ở các mức độ khác nhau. Thế nhưng, có một đoàn đang cảm thấy bất mãn.
Từ hơn 1,3 tỷ dân, Trung Quốc chắt lọc 413 vận động viên xuất sắc nhất để gửi tới Brazil. Đây cũng lần đầu tiên Trung Quốc có đông vận động viên đến như vậy, tham dự một kỳ Olympic không phải do nước này đăng cai. Mục tiêu của Trung Quốc đặt ra là giành tối thiểu 36 Huy chương Vàng.
Thế nhưng, sau 16 ngày tranh tài, họ mới chỉ sở hữu 26 Huy chương Vàng - thấp nhất trong 20 năm qua. Kết thúc Olympic 2016, Trung Quốc đứng thứ ba toàn đoàn với 70 huy chương, trong đó 26 Huy chương Vàng, 18 Huy chương Bạc và 26 Huy chương Đồng.
Mọi thứ có thể sẽ bớt tồi tệ hơn nếu Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ, song việc đứng dưới cả Vương quốc Anh thực sự khiến truyền thông và người hâm mộ ở quốc gia đông dân nhất thế giới thực sự thất vọng.
Ở Olympic 2008, Trung Quốc đã dẫn đầu trên bảng tổng sắp chung cuộc với tổng số 110 huy chương (51 Huy chương Vàng, 21 Huy chương Bạc, 28 Huy chương Đồng), trong khi đoàn thể thao Mỹ xếp thứ 2 (36 Huy chương Vàng, 38 Huy chương Bạc, 36 Huy chương Đồng).
Còn nhớ ở Olympic 2012, đoàn thể thao Trung Quốc đã giành vị trí Á quân chung cuộc với 88 huy chương, trong đó có 38 Huy chương Vàng và 29 Huy chương Bạc.
Còn đoàn thể thao Vương quốc Anh, dù thi đấu tại quê nhà, nhưng xếp thứ 3 sau Trung Quốc với 65 huy chương (29 Huy chương Vàng và 17 Huy chương Bạc).
Ở Olympic Athens 2004, Trung Quốc cũng đứng thứ 2 toàn đoàn, với 63 huy chương (32 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc, 14 Huy chương Đồng).
Việc Trung Quốc sa sút ở Rio 2016 là do các vận động viên của họ thi đấu không thành công, đặc biệt ở môn thể dục dụng cụ. Tuyển thể dục dụng cụ Trung Quốc chỉ giành được 2 tấm Huy chương Đồng ở nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ. Lần đầu tiên kể từ Olympic 1984, thể dục dụng cụ Trung Quốc rời sân chơi Olympic mà không có lấy một tấm Huy chương Vàng.
Thất bại này thực sự là cú sốc của Trung Quốc nếu so sánh với những huy hoàng của thể dục dụng cụ 8 năm qua.
Năm 2008, khi Olympic diễn ra trên sân nhà, thể dục dụng cụ Trung Quốc thống trị nhiều nội dung, giành 11 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng. Tại Olympic London 2012, Trung Quốc cũng dẫn đầu bộ môn thể dục dụng cụ với 5 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Ở Olympic 2016, Trung Quốc mang tới 20 vận động viên tranh tài ở thể dục dụng cụ nhưng không ai mang về Huy chương Vàng.
Ở những nội dung khác, các vận động viên của Trung Quốc cũng gây thất vọng. vận động viên Pang Wei của Trung Quốc chỉ mang về được tấm Huy chương Đồng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam ở Rio 2016, trong khi vận động viên Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Vàng. Còn ở nội dung 50m súng ngắn nam, Pang Wei không giành được huy chương nào do đứng hạng 8, trong khi Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương Bạc.
Lý giải cho kết quả thảm hại tại Rio de Janeiro, Trưởng đoàn thể thao Olympic Trung Quốc Liu Peng cho biết: “Có vài vấn đề chúng tôi đã không lường được trước. Tại Rio 2016, chúng tôi đã không đánh giá đúng những thách thức mà vận động viên của mình phải đối mặt. Chúng tôi cần học hỏi và rút kinh nghiệm. Trong những năm gần đây, các quốc gia ngày càng đầu tư nhiều cho Olympic, trình độ các vận động viên được nâng cao, theo đó sự cạnh tranh huy chương diễn ra khốc liệt hơn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và tìm những cách thức mới để cải thiện khả năng cũng như thành tích thi đấu.”
Cũng theo ông Liu Peng, một nguyên nhân khác là do các vận động viên còn thiếu kinh nghiệm vì 3/4 tuyển thủ mới lần đầu dự Olympic: “Những vận động viên này đã được rèn luyện nhiều, nhưng như vậy là chưa đủ. Dễ thấy là khi phải đối mặt với những đối thủ kinh nghiệm và nổi tiếng, họ thường suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến áp lực và không thể thi đấu hết khả năng”./.