Các nhà đàm phán Trung Quốc sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận thương mại với các đối tác Mỹ với những nhượng bộ đáng kể sau thất bại của các cuộc đàm phán gần đây nhất.
Theo bài viết của cây bút bình luận Robert Gottlebsen đăng trên nhật báo The Australian ngày 18/9, cổ phiếu và thị trường ở cả Trung Quốc và Mỹ đều cảm nhận được sự thay đổi và tin rằng Trung Quốc đã sẵn sàng thương thảo.
Các cuộc thảo luận cấp phó diễn ra trong tuần này để chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 giữa hai nước dự kiến diễn ra trong tháng Mười tại Washington.
Sự chuẩn bị này là hết sức quan trọng cho việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung tại các cuộc đàm phán chính thức.
Một trong những nhượng bộ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trước khi thảo luận là giảm bớt các hạn chế đối với nhập khẩu ngũ cốc của Mỹ vào Trung Quốc.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, do ảnh hưởng của thuế quan của Mỹ và các biện pháp khác, cộng thêm những bất ổn khi giá thịt lợn tăng cao, do dịch cúm lợn bùng phát tại các trang trại chăn nuôi lợn ở Trung Quốc.
[Mỹ-Trung phát tín hiệu về thỏa thuận thương mại song phương]
Bài viết chỉ ra rằng đằng sau những nhượng bộ và tính toán trên, cuộc chiến thương mại về lâu dài sẽ diễn ra trên mặt trận công nghệ và vấn đề siêu cường nào sẽ nắm giữ được cơ sở dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) tốt nhất.
Theo bài viết trên, Chính phủ Trung Quốc có lẽ cho rằng Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ nhiều hơn suy nghĩ ban đầu, và Trung Quốc cần 5 năm để xây dựng sự độc lập khỏi công nghệ Mỹ.
Một thỏa thuận ngừng chiến có thể sẽ tốn kém, nhưng sẽ mang lại cho Trung Quốc thời gian thực hiện dự án dài hạn này.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ về các thành phần công nghệ chính như chip và phần mềm, modem và động cơ phản lực.
Giữa những căng thẳng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát các công ty công nghệ trong nước để đánh giá mức độ phụ thuộc của các công ty này vào các nhà cung cấp Mỹ.
Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 16% chất bán dẫn đang được sử dụng ở Trung Quốc được sản xuất trong nước. Nếu Mỹ cấm xuất khẩu các bộ phận công nghệ quan trọng sang Trung Quốc, ngành công nghệ và viễn thông Trung Quốc sẽ bị tê liệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu sử dụng sức mạnh này bằng việc tấn công Huawei, tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc.
Biện pháp này đã đem lại kết quả và buộc Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, "cuộc tấn công" đó cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ tìm cách phát triển công nghệ độc lập trong nửa thập kỷ tới.
Ví dụ, Trung Quốc hiện đặt mục tiêu sản xuất 40% chất bán dẫn vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.
Về lâu dài, thế giới có thể sẽ có hai hệ thống công nghệ/viễn thông riêng biệt, một dựa trên công nghệ Trung Quốc và một dựa trên công nghệ Mỹ.
Đây là bài toán phát triển lâu dài của Trung Quốc. Bài báo nhận xét rằng thành tựu công nghệ lớn nhất của Trung Quốc trong hai năm qua là sự phát triển đáng kinh ngạc của các máy bay phản lực thế hệ tiếp theo./.