Trung Quốc nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại với Australia

Trước đó, Trung Quốc đã từ chối khi Bộ trưởng Thương mại Australia yêu cầu điện đàm về việc Bắc Kinh "cấm cửa" 4 nhà xuất khẩu thịt bò lớn của Australia với lý do vi phạm nhãn mác và chứng nhận thú y.
Thịt bò được bày bán tại một cửa hàng ở Melbourne, Australia ngày 12/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn ngày 18/5 khẳng định nước này và Trung Quốc vẫn đang liên lạc với nhau để giải quyết vấn đề buôn bán thịt bò và lúa mạch.

Tuyên bố này được ông Chung Sơn đưa ra khi được hỏi về việc Australia đề nghị Trung Quốc thảo luận các vấn đề liên quan đến việc Hải quan Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt bò và lúa mạch của nước này trong bối cảnh căng thăng leo thang giữa hai nước do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham đã yêu cầu điện đàm với ông Chung Sơn sau khi Hải quan Trung Quốc "cấm cửa" 4 nhà xuất khẩu thịt bò quy mô lớn của Australia với lý do những công ty này vi phạm về nhãn mác và giấy chứng nhận thú y, tuy nhiên phía Trung Quốc đã từ chối yêu cầu này.

[Đằng sau việc Trung Quốc đe dọa áp thuế đối với lúa mạch Australia]

Theo Bộ Thương mại Australia, những công ty chế biến thịt của nước này bị phía Trung Quốc đưa vào danh sách cấm nhập khẩu gồm 3 công ty ở bang Queensland và 1 công ty ở bang New South Wales.

Cả 4 công ty này đều là những nhà cung cấp thực phẩm lớn tại thị trường Trung Quốc, chiếm tới 35% sản lượng thịt bò của Australia xuất khẩu sang nước này với doanh thu thương mại đạt 3,5 tỷ AUD (khoảng 2,24 tỷ USD) mỗi năm.

Ngoài thịt bò, Bắc Kinh cũng đã đề xuất áp mức thuế 80% đối với mặt hàng lúa mạch của Australia trong bối cảnh quan hệ song phương đang xấu đi liên quan tới việc nước này kêu gọi tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vốn bùng phát từ Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.

Hồi năm 2017, Trung Quốc cũng đã ban hành một lệnh cấm tương tự đối với 6 công ty chế biến thịt của Australia, bao gồm cả 4 công ty nói trên.

Lệnh cấm được cho là liên quan đến việc vi phạm tuân thủ quy định bao bì nhãn mác và mất hàng tháng để giải quyết ở mức độ ngoại giao cao cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục