Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ngày 23/2 cho biết nước này sẽ cho phép các ngân hàng thương mại và tổ chức bảo hiểm đủ điều kiện tham gia giao dịch trái phiếu chính phủ kỳ hạn trên Sàn giao dịch tài chính kỳ hạn Trung Quốc (CFFE).
Theo thông báo được đăng tải trên trang web của CSRC, các tổ chức thí điểm đầu tiên sẽ bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Bank of China, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Truyền thông.
Trong thông báo chung do CSRC, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đưa ra, giới chức cho biết động thái này nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường kỳ hạn cho trái phiếu Chính phủ nước này.
Thông báo cũng cho biết quyết định trên sẽ đáp ứng nhu cầu quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, đa dạng hóa các loại sản phẩm đầu tư và cải thiện mức độ quản lý tài sản trái phiếu.
[Đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Trung Quốc vẫn tăng mạnh]
Ngoài ra, CSRC cho hay việc này cũng giúp làm phong phú cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường, thúc đẩy sự phát triển ổn định và có trật tự của thị trường trái phiếu Chính phủ kỳ hạn.
Hiện tại, các nhà đầu tư như thuộc dạng môi giới và quản lý quỹ được phép giao dịch trái phiếu chính phủ kỳ hạn. Nhưng thị trường này lại nằm ngoài "tầm với" của các ngân hàng, những người nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ lớn nhất của Trung Quốc.
Ông Liu Wencai, người sáng lập công ty tư vấn quản lý rủi ro D-Union, cho biết quyết định trên của Chính phủ Trung Quốc là một bước tiến lớn đối với tự do hóa lãi suất ở nước này.
Ông Liu Wencai nói rằng so với thị trường phái sinh liên ngân hàng, thị trường trái phiếu kỳ hạn của Trung Quốc dồi dào thanh khoản và minh bạch hơn, cung cấp một công cụ phòng ngừa rủi ro rất cần thiết cho các ngân hàng.
Ngoài ra, sự tham gia của các ngân hàng, những bên cầm giữ trái phiếu chính ở Trung Quốc, sẽ thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu kỳ hạn, đồng thời tạo ra “một đường cong lợi suất đáng chú ý."
Ông Khiem Do, người đứng đầu quỹ đầu tư Greater China Investments tại công ty quản lý đầu tư quốc tế Barings, cho biết việc có thêm thanh khoản trên thị trường là điều tích cực cho tất cả những bên tham gia trong ngành tài chính, bao gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ quản lý tài sản.
Theo giới quan sát, Trung Quốc đang đẩy mạnh các chính sách cải cách lãi suất, thay đổi lãi suất cho vay chuẩn và thông báo sẽ còn giới thiệu thêm các công cụ phái sinh khác để giúp các ngân hàng phòng ngừa rủi ro lãi suất.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang mở cửa thị trường trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, những người vốn luôn phàn nàn về sự thiếu hụt các công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả tại Trung Quốc./.