Chính sách cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con đã trở thành bước chuyển ngoặt trọng đại trong chính sách dân số của Trung Quốc, nhằm duy trì ưu thế nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, hiệu ứng của sự thay đổi này sẽ diễn ra như thế nào và trong thời gian dài hay không? Đến thời điểm này, đây tạm thời mới là câu chuyện của sự kỳ vọng.
Những thay đổi trong quá khứ
Trước khi Trung Quốc tuyên bố thực thi chính sách cho phép sinh 3 con vào ngày 31/5 vừa qua, chính sách dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới đã trải qua nhiều bước thay đổi tiệm tiến.
Năm 1978, dân số Trung Quốc tăng lên gần 1 tỷ người. Chính phủ nước này phê chuẩn kiến nghị của Văn phòng Sinh đẻ kế hoạch, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con hoặc nhiều nhất là 2 con.
Một số địa phương còn đi trước một bước, bắt đầu thực hiện quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con dù trai hay gái.
[Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 3]
Năm 1980, Trung Quốc yêu cầu 38 triệu đảng viên chỉ được sinh 1 con nhằm đưa tỷ lệ sinh đẻ về mức 0% trước năm 2000.
Chính sách này bắt đầu được thực thi trong phạm vi cả nước, nhưng có thể có ngoại lệ với các cặp vợ chồng là dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn.
Hai năm sau, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) thông qua Hiến pháp mới, lần đầu tiên kế hoạch hóa gia đình trở thành nghĩa vụ đối với mọi công dân Trung Quốc.
Năm 2008, các quan chức Trung Quốc cho biết họ bắt đầu nghiên cứu cách thay đổi giới hạn 1 con của nước này, nhưng cảnh báo bất cứ thay đổi nào cũng phải diễn ra dần dần và không đồng nghĩa với việc dỡ bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch.
Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc quyết định nới lỏng chính sách một con, cho phép các cặp vợ chồng trên cả nước có 2 con nếu một trong hai người là con một.
Năm sau, Trung Quốc chấm dứt chính sách một con và tuyên bố cho phép tất cả các cặp vợ chồng đã kết hôn sinh 2 con nhằm đẩy lùi tốc độ già hóa nhanh chóng của lực lượng lao động.
Năm 2020, các học giả Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình kéo dài hàng thập kỷ đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng dân số, tạo cơ sở cho các cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, kinh tế và thậm chí chính trị trong tương lai gần.
Tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng lên đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ sớm thiếu hụt lao động để nuôi một số lượng khổng lồ người già.
Bước chuyển ngoặt bất ngờ của hiện tại
Trở lại với thời điểm trước khi Trung Quốc công bố kết quả tổng điều tra dân số 10 năm một lần, vào ngày 27/4, tờ Thời báo Tài chính của Anh dẫn nguồn thạo tin cho biết mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách sinh đẻ có kế hoạch, nhưng báo cáo điều tra dân số vốn hoàn thành từ tháng 12/2020 cho thấy tổng dân số nước này chưa đến 1,4 tỷ người.
Đây là lần đầu tiên dân số Trung Quốc sụt giảm kể từ năm 1949 (trước đó vào năm 2019, có thông tin nói rằng dân số Trung Quốc đã vượt 1,4 tỷ người).
Sự sụt giảm về dân số của Trung Quốc có thể khiến Ấn Độ nhanh chóng vượt qua nước này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên hai hôm sau, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc lên tiếng bác bỏ thông tin này và tuyên bố dân số nước này tiếp tục tăng trưởng.
Căn cứ vào công bố của Trung Quốc hôm 11/5, năm 2020, nước này có thêm 12 triệu trẻ sơ sinh, giảm 18% so với hồi năm 2019 và là năm giảm thứ tư liên tiếp sau khi Trung Quốc thực thi chính sách mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 2 con hồi năm 2016.
Kết quả tổng điều tra dân số còn cho thấy số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đạt 264,02 triệu người, tăng từ mức chiếm 13,3% dân số của 10 năm trước lên 18,7% vào cuối năm 2020. Cùng với đó, tỷ lệ người ở độ tuổi 15-59 đã giảm từ 70,1% xuống còn 63,35%.
Nói cách khác, dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần.
Nhưng như trả lời của Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Ninh Cát Triết tại cuộc họp báo ngày 11/5, tài nguyên sức lao động của nước này vẫn phong phú, lợi ích kinh tế từ dân số (demographic dividend - đề cập đến sự tăng trưởng trong một nền kinh tế là kết quả của sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số một quốc gia) tiếp tục tồn tại.
Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phiên bản tiếng Trung, tác giả cuốn “Nước lớn nhà trống” Dị Phúc Hiền và cũng là nghiên cứu viên cao cấp thuộc phân hiệu Madison của trường Đại học Winconsin (Mỹ) cho rằng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn cả Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Do đó, kết quả tổng điều tra dân số cho thấy vấn đề dân số ở Trung Quốc không nghiêm trọng, cũng không cấp bách. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thậm chí còn nói nước này đang ở trong kết cấu về độ tuổi rất có sức sống.
Điều này khiến việc Bắc Kinh nhanh chóng đưa ra chính sách sinh 3 con khiến người ta không khỏi bất ngờ.
Đâu là nhân tố cản trở kỳ vọng?
Trung Quốc thực thi chính sách sinh 3 con cùng chính sách đồng bộ với kỳ vọng sẽ cải thiện kết cấu dân số, thực thi chiến lược quốc gia nhằm tích cực ứng phó tình trạng già hóa dân số, duy trì ưu thế nguồn nhân lực.
Trả lời hãng thông tấn Trung Tân (CNS), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu kinh tế quốc dân, Đại học Bắc Kinh Tô Kiếm cho rằng hàm ý của chính sách sinh 3 con là cải thiện kết cấu kinh tế và khuyến khích sinh đẻ.
Hiệu quả thực thi chính sách sinh 3 con có tác dụng tích cực nhất định đối với việc thay đổi quan niệm dân số.
Cùng với việc thực thi chính sách 3 con, người dân dần ý thức được rằng dân số không phải là gánh nặng mà là một tài nguyên.
Truyền thống văn hóa muốn được kế thừa phải có quy mô dân số nhất định và ở khía cạnh này “vấn đề dân số không chỉ là vấn đề kinh tế, mà hơn thế là vấn đề liên tục của xã hội và văn hóa.”
Trao đổi với báo Tân Kinh, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu chính sách công thuộc Viện Nghiên cứu dân số, Đại học Liêu Ninh, bà Tống Lệ Mẫn cho rằng chính sách sinh 3 con ảnh hưởng đến những người đã sinh con thứ 2, nhưng trên thực tế, chính sách sinh 2 con mới thực hiện được vài năm, cho nên, có thể chính sách sinh 3 con phải mất khoảng 5 năm để thấy những thay đổi rõ ràng.
Bởi những người đã sinh 2 con trước đây có thể đã quá già và chính sách sinh 3 con có thể có có ảnh hưởng rõ ràng hơn đối với những người trẻ tuổi, có thể tạo ra một số thay đổi về mong muốn sinh con trong tương lai của họ.
Tuy nhiên, theo bà Tống lệ Mẫn, đây chỉ là ước tính sơ bộ của cá nhân và chưa được chứng minh một cách chặt chẽ.
Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế
Tạm gác lại việc một số chuyên gia cho rằng chính sách sinh 3 con ra đời quá muộn, một số diễn biến bước đầu hé lộ rằng thực tế dường như có thể khác với kỳ vọng.
Thứ nhất, mới đây, hãng tin Tân Hoa xã đã đưa ra bảng câu hỏi về chính sách sinh 3 con trên trang Sina Weibo với chủ đề "Bạn đã sẵn sàng cho chính sách sinh 3 con chưa?"
Bảng câu hỏi có 4 lựa chọn, lần lượt là “đã sẵn sàng, không thể chờ thêm,” “đã đưa vào dự định,” “đang do dự, có nhiều vấn đề đợi suy nghĩ” và “hoàn toàn không nghĩ tới.”
Tổng cộng có 26.000 người tham gia bỏ phiếu, kết quả có 24.000 người chọn “hoàn toàn không nghĩ tới” và bảng câu hỏi này nhanh chóng bị xóa.
Thứ hai, mong muốn lập gia đình của thanh niên Trung Quốc giảm xuống. Theo Nghiên cứu viên Hoàng Văn Chính thuộc Trung Tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở ở Bắc Kinh, tình hình những người trẻ tuổi không muốn lập gia đình còn nghiêm trọng hơn những gì ông dự đoán.
Trên thực tế, sau khi Trung Quốc công bố chính sách sinh 3 con, Tân Hoa xã đưa tin số lượng lượt đăng ký kết hôn vào năm 2020 đã giảm 40% so với hồi năm 2013 và số con bình quân mà những người sinh sau năm 1990 dự định sinh đẻ là 1,66, giảm 10% so với những người sinh sau năm 1980.
Một trong những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng Trung Quốc “lùi bước” trong việc sinh con là chi phí sinh nở và nuôi dạy con cái, nhất là ở các thành phố lớn, là quá cao.
Thứ ba, thực tế ở thành phố Bắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang cho thấy địa phương này đã mở cửa cho việc sinh con thứ 3 từ năm 2016.
Kết quả là tỷ lệ sinh đẻ toàn thành phố đã tăng từ mức 4,8% của năm 2015 lên mức 5,4% trong năm 2016, nhưng tới năm 2019 lại giảm xuống 3,9%.
Theo nghiên cứu viên cao cấp Dị Phúc Hiền, chính sách sinh 1 con thực hiện trong hàng chục năm đã thay đổi hoàn toàn quan niệm về mức sinh của người dân Trung Quốc. Hơn nữa, những biện pháp đồng bộ mà Trung Quốc đưa ra thì Nhật Bản đã từng làm và mang lại hiệu quả rất hạn chế.
Người ta đang lo ngại về một kịch bản người Trung Quốc chưa giàu đã già. Lão hóa dân số sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đặt nhiều địa phương trước cuộc khủng hoảng nợ và căn bản là không có tiền đề khuyến khích sinh đẻ./.