Bình luận về chuyến thăm Bắc Kinh của bà Aung San Suu Kyi - thủ lĩnh đối lập ở Myanmar, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 15/6 cho rằng Trung Quốc đang triển khai chính sách thực dụng đối với chính quyền Nay Pyi Taw.
Thực tế chứng tỏ Trung Quốc đã có phản ứng khá linh hoạt và nhạy bén trước những biến chuyển trên chính trường Myanmar trong năm bầu cử quan trọng.
Trước đây, chính quyền quân sự Myanmar được Trung Quốc - một nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hậu thuẫn mạnh mẽ. Vì thế, phe đối lập ở Myanmar dường như đã bị tê liệt, còn bà Suu Kyi thì bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc đã thay đổi. Bà Suu Kyi được các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp đón trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên đến Bắc Kinh.
Theo IISS, những động thái chính trị và tình hình an ninh ở Myanmar khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải lo ngại. Họ sợ đánh mất ảnh hưởng cũng như vị thế trong quá trình chuyển đổi về chính trị tại quốc gia láng giềng này.
Nỗ lực cải cách và mở cửa không chỉ giúp chính quyền Nay Pyi Taw cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế, mà còn đạt được sự nhượng bộ đáng kể về kinh tế, quân sự từ một số cường quốc như Nhật Bản, Australia, Mỹ.
Trong khi đó, việc Myanmar quyết định ngừng thi công đập thủy điện Myitsone - một dự án hợp tác với Trung Quốc được hiểu là động thái nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Chính vì vậy, Trung Quốc đang tìm mọi cách duy trì sự ổn định và có lợi trong mối quan hệ song phương với Myanmar. Thông qua việc tăng cường quan hệ và tìm kiếm sự ủng hộ từ nhiều đảng phái khác nhau ở Myanmar, Trung Quốc hướng đến mục tiêu duy trì lợi ích chiến lược và kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này./.